MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Tôi muốn cho độc giả đương thời và cả mai sau cùng hiểu...”

VIỆT VĂN (thực hiện) LDO | 18/10/2017 10:16
Nhà văn Nguyễn Hiếu là một cây bút đầy sung mãn, gần 40 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu (đã dựng trên 10 vở), gần 20 kịch bản điện ảnh (đã làm 8 phim), hơn 400 bài thơ đã in báo.

Dự trại sáng tác kịch bản điện ảnh Nha Trang lần này (từ 16-26.10), ông có kịch bản phim “Có một điều xòe - Nhớ” lấy bối cảnh từ Điện Biên Phủ qua Paris, kể câu chuyện về mối tình Sáclơ - người lính Pháp và cô gái Thái Lò Thị Muộn cùng những đứa con của họ qua những thăng trầm của cuộc sống để làm nổi bật khát vọng tình yêu chân chính của con người.

Thật ngạc nhiên và khâm phục nội lực hùng hậu của ông, chưa bàn tới chất lượng, chỉ riêng số lượng đã là một giấc mơ “không tưởng” với nhiều người. Ông có bí quyết phân bổ thời gian, sức khỏe tâm lý và sinh lý như thế nào đặc biệt không?

- Nhờ trời cả thôi (ông cười). Khi tôi còn trẻ, thời bao cấp, vợ tôi là giáo viên, nhà có mẹ già và hai con nhỏ, lương phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam của tôi không đủ chi tiêu. Tôi buộc viết nhiều, viết hăng, để cứu vãn kinh tế gia đình. May mắn là tôi vốn dân Tổng hợp Văn nên xoay ra viết văn, viết báo có thuận lợi hơn.

Nhưng ông lấy vốn sống ở đâu ra mà viết được nhiều thể loại thế?

- Tôi là dân làng Chèm, một làng quê khá cổ. Tôi đã trải qua nhiều chế độ, lớn lên làm báo lại va chạm với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, nên vốn sống ắp đầy, phản xạ đề tài nhanh nhạy. Còn sở dĩ tôi viết được nhiều vì là dân Tổng hợp Văn được đào tạo bài bản văn chương.

Các thày dạy lớp tôi hồi đó đều là những bậc tiền bối lẫy lừng như các GS Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kỵ, Đinh Gia Khánh, Hoàng Như Mai, Trần Tiêu… Tôi đọc nhiều từ bé, tôi cũng là học sinh đội tuyển Hà Nội tham gia thi giỏi văn miền Bắc năm 1966.

Ông cảm thấy mình mạnh nhất trong lĩnh vực nào? Còn đồng nghiệp và người xem đánh giá như thế nào?

- Tôi mạnh nhất là tiểu thuyết. Bộ “Dòng sông màu máu vẫn chảy” (2 tập, khoảng 800 trang) viết về những con người làng Chèm, làng ven đô trải qua bao binh biến xã hội, từ năm 1939 đến 2000.

Tiểu thuyết “Con ngố” viết về thân phận người đàn bà trong xã hội VN: Nhẫn nhục, cam chịu, hiền lành. Cuốn “Tình nhân” viết về Hà Nội năm 1954 đến đầu thế kỷ XXI, được người xem thừa nhận là bức tranh sống động, một phòng triển lãm về tính cách người Hà Nội. Hay tiểu thuyết “Mặt nạ để đời” là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, nạn tranh chức, tranh quyền...

Năm 2010, nhân 1.000 năm Thăng Long, NXB Hà Nội in tuyển tập của tôi với 6.060 trang, in lại 19 cuốn tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 300 bài thơ và 9 kịch bản sân khấu.

Ông có hay sử dụng một thủ pháp văn học gì đặc biệt không?

- Tôi luôn luôn muốn sáng tạo, thủ pháp lớn nhất của tôi là huyền thoại gắn liền với hiện thực. Tiểu thuyết “Con ngố” và đặc biệt là “Chuyện tình người điên” viết về một vương triều giả tưởng vẽ lên một cuộc chiến mang tầm nhân loại giữa lý trí và bản năng là minh chứng rõ nhất.

Trong sân khấu là vở diễn “Linh hồn đông lạnh” - Nhà hát kịch VN dựng năm 2008, câu chuyện về sự sống lại của một nhà văn sau khi chết 50 năm, và ông đem tất cả từ tính cách, thói quen tốt xấu vào thời kỳ văn minh mới để rồi mọi bi kịch phát sinh từ đây. Một vở khác “Cu Tũn thích làm người lớn” kể về cậu bé có vóc dáng của một chàng trai 20-21 tuổi nhưng tâm hồn, sự hiểu biết của chú bé lên 6…

Giờ đây, khi không còn câu thúc về kinh tế, ông vẫn duy trì cường độ lao động ghê gớm, vì sao? Hay vì tạng ông cứ phải viết nhiều?

- Là do “giời đày” thôi. Có người chỉ thích viết ít, viết ngắn. Còn tôi, dường như không thể loại văn chương nào xa lạ đối với tôi.

Thách thức lớn nhất của ông khi đặt bút viết?

- Là khi phản ánh một vấn đề gì đó mà tôi chưa am hiểu, tường tận đến tận cùng.

Ngày xưa và bây giờ, ông viết có gì khác?

- Ngày xưa viết nhanh, tràn đầy nội lực và thoáng hơn. Bây giờ viết chậm hơn, nhưng viết kỹ và sâu hơn.

Ông phục ai, quý ai trong văn học?

- Trong văn chương thế giới là ba nhà văn lớn Dostoyevsky, Lev Tolstoy và Gabriel Marquez. Ở Lev là sự chân thực, chi tiết và hoành tráng trong lối viết tiểu thuyết. Dostoyevsky là mô tả tận đáy tâm hồn con người. Còn G.Marquez là bậc thày về bút pháp hiện thực huyền ảo.

Trong nước thì tôi quý trọng nhất và khâm phục đàn anh Ma Văn Kháng với bút pháp, cách kết cấu truyện ngắn. Và bậc tiền bối Nguyễn Công Hoan - người mà tôi chưa từng có vinh dự gặp mặt nhưng đã viết 3 lá thư cho tôi, dạy cho tôi nhiều về cách viết và tạo chất hài hước trong tác phẩm, nhà thơ Chế Lan Viên đã dạy tôi làm thơ và nhà thơ Thế Lữ dạy tôi tình yêu đối với kịch.

Tham vọng lớn nhất của ông?

- Là phản ánh thật nhiều và chân thực bức tranh cuộc sống hôm nay với tất cả những dằn vặt, hy vọng, đấu tranh và bước tiến của con người trong xã hội đương đại. Tôi muốn cho độc giả đương thời và cả mai sau cùng hiểu rõ hiện thực cuộc sống hôm nay.

Còn mục tiêu cụ thể trước mắt của ông?

- Tôi muốn tập trung nhiều vào kịch, làm sao có những vở kịch có sức hút lớn, diễn tả những xung đột trong một xã hội đang phát triển. Tôi mới hoàn thành vở “Uy quyền” viết về cổ phần hóa phê phán lợi ích nhóm.

Và trước đó, vở kịch “Thày Chu” viết về Chu Văn An được Nhà hát chèo Quân đội dàn dựng, đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2013, giải vở diễn sân khấu hay nhất do Bộ VHTTDL trao tặng. Rồi vở “Kiều” - Nhà hát kịch nói VN dựng năm 2016, xếp vào những vở diễn sống cùng năm tháng.

- Xin cảm ơn ông và chờ đợi ở ông những sáng tạo mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn