MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Đào Sơn.

Nhạc sĩ Đào Sơn và phần thưởng lớn nhất cuộc đời

Nguyễn Phước Tín LDO | 29/01/2020 07:30

Đó là ca khúc mang tên “Chân trời bất tử” viết về 64 chiến sĩ Gạc Ma anh hùng. “Trường Sa - Hoàng Sa, ngàn năm của ta, nhưng ai đem gieo đau thương ngày 14 tháng 3/ Trường Sa - Hoàng Sa, ngày đêm nào nguôi, khi nghe dư âm trên khơi như hồn bất khuất của người lính Gạc Ma...”. ”Biển vẫn cồn cào/ Sóng vẫn thì thào/ Chờ đón các anh vào/ Chờ đón các anh về”... 

“Trước khi sáng tác, tôi nhận được tin tại Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ diễn ra lễ cầu siêu cho 64 chiến sĩ vào ngày 14.3.2018. Tôi bắt đầu hình dung về không gian đó, nên quyết định đưa tiếng chuông chùa vào đầu bài và tiếng mõ ở cuối bài. Tiếng chuông chùa, tiếng mõ ở đây diễn tả rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau; mỗi người nghe có những cảm nhận cũng khác nhau” - nhạc sĩ Đào Sơn chia sẻ.

“Bao đời ông cha đi đâu có hẹn ngày về/ Nay thân tan máu tim anh tràn trề/ Cầm tay cùng bên nhau giương cao cờ Tổ quốc ta...”. Nhạc sĩ Đào Sơn đã chỉnh sửa, nghe đi nghe lại nhiều lần ca khúc. Ông chạm tay vào ngực rưng rưng: “Chưa có nơi nào khi ca khúc ngân lên, cảm xúc trong tôi được trọn vẹn, tràn trề, thấm đẫm như ở Khu tưởng niệm Gạc Ma. Các anh như đã về đây, ngồi tựa lưng vào ngôi nhà chung này, nghe ca khúc ấy. Chỉ cảm nhận thôi, nhưng ý niệm này làm tôi vô cùng hạnh phúc. Cuộc đời tôi, sáng tác được bài hát này, còn hơn cả những giải thưởng đã có. Với một nhạc sĩ không chuyên, điều gì ấm áp bằng khi mình đạt được cảm xúc thăng hoa cùng tác phẩm của mình”.

Ca khúc “Chân trời bất tử” được đón nhận tích cực. Tại chương trình “Satra vì biển đảo quê hương” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một chiến sĩ hải quân thốt lên: “Tôi thực sự rất ấn tượng và tâm đắc với ca khúc Chân trời bất tử”. Ngồi dưới khán đài với tư cách là khách mời, cựu binh Đào Sơn lần nữa rưng rưng: “Với tôi, nghe lời khen của chiến sĩ trẻ giống như đang được lĩnh giải thưởng vậy”. 

Ông Đào Sơn yêu nhạc từ lúc còn cầm súng chiến đấu. “Được sống trong không khí hòa bình là may mắn đối với tôi. Vì thế, hầu hết những ca khúc tôi viết từ đó đến giờ là tri ân, tưởng nhớ những người lính anh hùng” - ông kể. Đó là “Ơn nhớ em vì nước” ngợi ca tinh thần quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong ở Vĩnh Lộc và Đồng Lộc; “Đừng quên nhớ tới Đặng Thùy Trâm” viết về bác sĩ Đặng Thùy Trâm... 

Ra đời năm 2009, “Noi gương anh cả toàn quân” của Đào Sơn là một trong những ca khúc đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi phổ nhạc, bài hát được nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu thể hiện. “Võ Nguyên Giáp đây anh cả toàn quân ta/ Khi quân xâm lăng gieo nỗi đâu muôn nhà/ Như nghe tiếng hồn thiêng liêng Thăng Long/ Anh năm tay thề trên chiến lũy cha ông/ Võ Nguyên Giáp đây tên vàng của núi sông/ Lấp lánh ý chí thép mà lòng sáng trong xanh cây đời/ Lung linh thanh gươm quý gác giữa trời cờ hồng bay/ Của cháu con vua Hùng giữ nước với bao chiến công/ Của cháu con vua Hùng giữ nước mình còn đây/ Bộ đội cụ Hồ làm Điện Biên trang sử vàng/ Làm phong ba quét xâm lược từ bốn phương/ Bao hy sinh vinh quang giữ đất trời giữ biển/ Quyết chiến quyết thắng nhớ Chi Lăng, Bạch Đằng...”.

Tháng 8.2010, cựu binh Nguyễn Hữu Cương (hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.Hồ Chí Minh) đã mang CD có ca khúc đó cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe. “Bác Giáp rất vui, khen giai điệu dân dã, tình cảm và gần gũi” - cựu binh Nguyễn Hữu Cương nhớ lại. “Tôi nghe mà hạnh phúc vô cùng. Đó là tình người. Và người lính, điều trân quý nhất không có gì khác ngoài sự kính trọng, mến yêu. Một ca khúc làm bác Giáp xúc động, thì hạnh phúc không gì so sánh được” - ông Sơn tâm sự.

Ông Đào Sơn còn có một ca khúc được sử dụng phổ biến trên các kênh truyền hình  là “Như nắng xuân về” viết về tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác Hồ. “Người lính như tôi sáng tác nhạc giống như con dâu tằm vậy. Tích lũy ra sao, hiểu biết thế nào, tuôn trào hết. Tôi sáng tác theo những gì mình cảm nhận...” - ông tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn