MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: T.L.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Nhiều nơi “sốc” khi bị thu tiền tác quyền âm nhạc trên tivi

Mai Châu LDO | 26/05/2017 15:24
Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – ông Phó Đức Phương cho biết, đã có không ít chủ khách sạn bày tỏ sự hoang mang, thậm chí là khá “sốc” khi nhận được công văn yêu cầu trả phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn.

Ông Phó Đức Phương cho biết, mặc dù việc thu tiền trên đã được VCPMC tiến hành 10 năm nay, nhưng nhìn chung đa phần đều không hiểu cặn kẽ Luật Sở hữu trí tuệ nên dẫn đến những tranh luận trong những ngày qua.

"Lúc mới thực hiện việc thu tiền bản quyền, rất nhiều nơi ngạc nhiên và thậm chí là “sốc”", nhạc sĩ cho biết. Tuy nhiên, không ít đối tác sau khi nhận được công văn cùng lời giải thích lúc gặp gỡ từ phía VCPMC đã thực hiện tốt việc chi trả tiền bản quyền. Các khách sạn Hà Nội, TPHCM, thậm chí là Hàng không Việt Nam đều thực hiện một cách khá ổn định.

Nhưng theo ông Phương, trong năm 2016, tiền bản quyền thu từ các tỉnh phía Nam 3 tỉ đồng chủ yếu vẫn là các chương trình biểu diễn nhạc “sống”, còn ở khách sạn mới chỉ tạm chiếm phần nhỏ trong tổng thu trên. “Chúng tôi thu 25.000 đồng/tivi/năm, vậy các khách sạn chỉ phải trả hơn 2.000 đồng/tivi/tháng, đây chưa thể gọi là số tiền quá cao mà chúng tôi chỉ thu ở mức giá tượng trưng” – ông Phương nói.    

Nhạc sĩ cũng làm rõ thêm, theo Luật Sở hữu trí tuệ, ngoài quyền nhân thân, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm còn có thêm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền kiểm soát tác phẩm của mình trên mọi lĩnh vực phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền nhập khẩu, phân phối sản phẩm sang nước ngoài.

Việc thu phí tác quyền âm nhạc tivi trong khách sạn làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều (ảnh minh họa). 

Vì vậy, trước phản ứng của các chủ khách sạn về việc làm của VCPMC, ông Phương “phản bác” rằng, việc thu phí đều dựa trên nền tảng luật pháp, mà cụ thể là tham khảo công ước Berne, hệ thống luật pháp quốc tế cũng như các điều luật này đều áp dụng vào đời sống thực tiễn tại Việt Nam. “Sử dụng âm nhạc của các tác giả để kinh doanh nghĩa là làm tăng quyền lợi, thu nhập của khách sạn và họ sẽ phải chịu trách nhiệm chia sẻ quyền lợi đó cho tác giả”, ông Phương nhấn mạnh.

Được biết, công văn yêu cầu trả tiền tác quyền âm nhạc trên tivi đã được VCPMC gửi đến các chủ khách sạn tại Đà Nẵng gần 1 tháng. Ông Nguyễn Hoàng Giang – Giám đốc Khu vực phía Bắc của VCPMC cho biết, VCPMC sẵn sàng ngồi đàm phán, trả lời tất cả các câu hỏi, thắc mắc của các đơn vị nhận được công văn, nhưng thực tế cho thấy, có đơn vị phản hồi, có đơn vị… lờ luôn. “Chúng tôi sẽ chờ thêm một thời gian nữa, nếu đối tác không trả tiền, buộc lòng chúng tôi sẽ giao việc xử phạt cho cấp cơ quan quản lý nhà nước” – ông Giang nói thêm.

Ngoài ra, trước thắc mắc, liệu giữa lúc đàm phán đôi bên có hay không việc đòi “giảm giá” tiền bản quyền, ông Giang khẳng định, mức giá trên đã được sự chấp thuận của các thành viên liên quan nên sẽ không có sự “giảm giá” nào ở đây. Trung tâm sẽ chỉ hỗ trợ nếu như tự bản thân tác giả đồng ý và cho phép. “Nhiệm vụ chính của VCPMC vẫn là làm thế nào bảo vệ quyền lợi của tác giả. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều yếu tố khách quan mà nói thật rằng, chúng tôi còn nhiều điều vẫn chưa thể làm được, nhất là trong việc kiểm soát sử dụng ca khúc từ phía đơn vị kinh doanh” – ông Giang thẳng thắn nhìn nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn