MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi sẽ trả tác quyền cho liveshow của chính mình

Đặng Chung LDO | 12/11/2016 09:32
“Làm một show âm nhạc có chất lượng cao bây giờ tốn kém lắm, từ đầu tư sân khấu đến cátxê trả cho ca sĩ cũng phải đến tiền tỉ. “Trên đỉnh Phù Vân” cũng ngốn của tôi tới 4 tỉ chứ chả ít. Nhưng dù thế nào cũng phải chấp hành quy định về tác quyền. Lần này, dù có lỗ, tôi vẫn sẽ nộp về Cục Tác quyền 200 triệu đồng để mua bản quyền 20 ca khúc của chính mình” - nổi hứng làm đêm nhạc duy nhất ở tuổi 72 để kỷ niệm chặng đường 50 năm sáng tác, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã chia sẻ với Buffet cuối tuần về chuyện đời, âm nhạc và dĩ nhiên không thể thiếu chuyện tác quyền.
Tôi khó tính quá, thành ra vất vả
Quyết định bỏ ra số tiền lớn để đầu tư làm show riêng, vào thời điểm làng nhạc đang vào mùa liveshow, nhạc sĩ có tính đến chuyện lỗ - lãi?
- Thì tôi cũng đã nghĩ đến chuyện có thể bán nhà mà. Khi đi mời nhà sản xuất đầu tư, tôi phải ký cam kết với họ là nếu lỗ tôi sẽ bán đồ đạc, bán nhà để trả nợ, còn lãi thì chia đôi. Lúc đầu thì cũng đắn đo, tuổi 72-73 rồi. Nhưng bạn bè, anh chị em cứ bảo tôi phải làm đi, không thì không còn cơ hội nữa… Tôi AQ là mình còn trẻ chán, nhưng nghĩ thế nào rồi cũng quyết định mở show, không phải là để tìm kiếm doanh thu. Khi đi đến đoạn nào đó, người ta sẽ nghĩ đến lúc điểm lại thành quả của mình. 50 năm sáng tác nhạc, tôi chưa có một liveshow riêng, đây cũng là dịp để tôi tri ân khán giả.
Lâu nay, thường ở thế đi giục các nhà sản xuất nghiêm túc thực hiện chuyện tác quyền, trong liveshow của chính mình, nhạc sĩ thực hiện điều đó thế nào?
- Làm một show âm nhạc có chất lượng cao bây giờ tốn kém lắm, từ đầu tư sân khấu đến cátxê trả cho ca sĩ cũng phải đến tiền tỉ. “Trên đỉnh Phù Vân” cũng ngốn của tôi tới 4 tỉ chứ chả ít. Nhưng tôi là người đi đầu trong công tác đòi quyền lợi cho các tác giả ở Việt Nam nên phải nghiêm túc thực hiện. Có điều việc đòi tác quyền trong đêm nhạc của chính mình thực sự đã khiến tôi rất đau đầu. Bởi vì tôi là tác giả của tất cả các ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc “Trên đỉnh Phù Vân”, nếu đòi tác quyền thì chẳng qua là tôi... tự trả cho tôi à. Tôi biết sẽ có những điều tiếng đó, người nọ xì xào người kia. Nhưng vì phải đảm bảo quyền lợi của Cục Tác quyền, phải đảm bảo rằng Cục sẽ thu đủ số tiền chỉ tiêu trong năm nay nên tôi quyết định nộp về Cục hơn 200 triệu đồng tiền tác quyền cho 20 ca khúc trong đêm nhạc.
Và theo quy định, Cục Tác quyền sẽ giữ lại 20% số tiền, 80% còn lại sẽ được trả về cho tác giả?
- Đương nhiên, lâu nay vẫn áp dụng theo quy tắc đó!
Liveshow “Trên đỉnh Phù Vân” nghe nói quy tụ cả trăm nghệ sĩ nổi tiếng, ngoài các chi phí thuê địa điểm biểu diễn, tiền tác quyền, số tiền cátxê trả cho những ngôi sao “hàng đầu” đó chắc không ít?
- Đúng là toàn ca sĩ hàng đầu cả. Cỡ Thanh Lam, Tùng Dương đâu phải vừa. Nhưng họ đến với tôi bằng tình cảm. Ca sĩ Thu Phương, Bằng Kiều rồi nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng vậy. Có rất nhiều nghệ sĩ, khi tôi mới gọi điện là họ nhận lời ngay, chưa ai nói hay đòi hỏi gì chuyện cátxê hết. Nhưng tính tôi rất rõ ràng, công tư phân minh, tôi sẽ trả cát xê xứng đáng cho họ.
Cũng phải “đổi món” cho người nghe chứ!
Nghe nói, Phó Đức Phương là người khó tính, những khách mời tham gia cũng đều rất cá tính, có khi nào để được việc, ông chịu nhún nhường trước họ?
- Không khó tính thì không phải Phó Đức Phương. Nhưng bạn thử chỉ ra cho tôi trong số Thanh Lam, Thanh Thanh Hiền, Tấn Minh, 5 Dòng Kẻ, Tùng Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, Thanh Ngoan… có ai là người không kỹ tính không? Có ai không kỹ tính mà làm nên tên tuổi nghệ thuật không? Mỗi người sẽ có sự cầu toàn và cách nhìn của riêng mình, chính điều đó tạo nên phong cách âm nhạc của từng người. Nhưng phải nói, bây giờ tôi cũng dễ tính lắm rồi. Lần này tôi mời nhiều ca sĩ trẻ, cả những người chưa bao giờ hát nhạc của tôi nữa. Tức là tôi chấp nhận cái mới, làm mới mình và tác phẩm của mình.
Ví như để Thu Phương hát “Trên đỉnh Phù Vân” chứ không phải là Mỹ Linh?
- Mỹ Linh là một tài năng, gắn với tên tuổi với không ít ca khúc của tôi. Cũng có thể nói, “Trên đỉnh Phù Vân” chưa ai hát được qua Mỹ Linh cả. Nhưng giờ cô ấy bận rộn quá nên tôi không dám làm phiền. Với lại tôi cũng muốn làm mới đi. Cũng phải “đổi món” cho người nghe chứ? Bao nhiêu năm rồi, không thể để mọi người cảm thấy mình “cũ kỹ”. Và sự đổi mới ấy, tôi muốn thể hiện ở tính đa dạng của mỗi giọng ca khi tham dự chương trình.
Khi “chọn” Thu Phương hát Trên đỉnh Phù Vân, cả tôi và cô ấy đều hồi hộp. Tôi còn lo lắng vì không biết “đứa con tinh thần” của mình sẽ được “khoác chiếc áo” mới như thế nào. Nhưng tôi đặt niềm tin vào Thu Phương, bởi chúng tôi có cùng điểm chung là sự trải nghiệm.
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ viết khá nhiều nhạc phẩm dưới chủ đề sông nước. Đó là sự trùng hợp hay cũng là sự trải nghiệm?
- Có thể, tôi thấy sông nước là một cái gì đó vừa êm ả, vừa không hề tĩnh lặng, vì nó là một dòng chảy liên tục. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với sông nước, những kỷ niệm với dòng sông Hồng. Nó gợi cho tôi một cảm giác rung động lập tức và hội cảm với nó luôn. Cũng có thể đó là cơ duyên, để tôi gặp được người bạn tri kỷ đó. Chính hình ảnh sông nước đã nhiều lần giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn, nhất là mỗi khi có chuyện buồn về tình cảm.
Nhưng “Chảy đi sông ơi” chẳng hạn, lâu nay vẫn được coi là ca khúc đẹp về tình yêu quê hương đất nước, khán giả rất khó hình dung đây là bản tình ca?
- Không giấu gì, đây chính là ca khúc được tôi viết trong trạng thái tuyệt vọng trong tình yêu và tìm đến sông nước để bầu bạn. Các ca khúc khác của tôi cũng đều là tình ca hết đấy chứ. Không phải viết tình ca thì cứ phải “anh yêu em”, rồi môi, rồi mắt, bờ vai, rồi gáo thét. Tôi viết về tình yêu nhưng được ẩn dụ dưới hình ảnh quê hương đất nước.
Tôi không giống như một số nhạc sĩ khác, họ sáng tác rất nhanh. Mỗi một cuộc tình là có một sáng tác, hay buổi tối đi chơi với một cô gái là về hưng phấn viết ra một bài hát ngay. Tôi không tin vào những gì bất chợt. Khi tôi viết một tác phẩm là trưng cất toàn bộ quá khứ của mình.
Ngày ông tạm “gác” sự nghiệp sáng tác để đi làm công tác đòi tiền tác quyền, nhiều người trong giới nói tiếc cho Phó Đức Phương. Xung quanh câu chuyện này cũng có không ít điều tiếng. Tại sao ông lại tự đưa mình vào thế khó như vậy?
- Tôi nhớ nhạc sĩ Doãn Nho có một lần hỏi tôi là: “Phương ơi tại sao cậu đang sáng tác hay lại lao vào đòi quyền tác giả?”. Lúc đó tôi rất buồn. Tôi phải giải thích rằng, niềm vui sáng tạo vô cùng lớn, là động lực suốt cả đời của nhạc sĩ, nghệ sĩ nhưng thưa anh trong đời này không phải chỉ có mỗi nguồn vui sáng tạo mà còn niềm vui khám phá và dấn thân. Ước nguyện của tôi là muốn dành những năm cuối của đời mình để đòi lại quyền lợi cho những người sáng tác như tôi. Điều mà trên thế giới trở thành nghĩa vụ của các nhà sản xuất, chứ không cần phải đi đòi như ở Việt Nam.
- Cảm ơn nhạc sĩ đã chia sẻ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn