MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà hát kịch tại Hà Nội vẫn đang loay hoay định hướng một phong cách riêng. Ảnh: T.L

Sân khấu kịch Hà Nội: Thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay

NGUYÊN LINH LDO | 01/06/2018 09:41

Các nhà hát kịch đang dần đánh mất thời hoàng kim. Sân khấu Hà Nội cần nhìn nhận các vấn đề còn tồn đọng, trong đó, mối quan hệ giữa tác giả kịch bản và nhà hát cần được đánh giá một cách nghiêm túc nhất...

“Ăn đong” kịch bản

Có thể nói, vài năm trở lại đây, sân khấu Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ để tránh khủng hoảng thiếu thốn khán giả. Tuy nhiên, trong nhiều vấn đề còn tồn đọng của sân khấu kịch Hà Nội, nhiều nhà biên kịch, nghệ sĩ nhìn nhận rằng, hiện, phần lớn các kịch bản vẫn chưa tiếp cận được với sân khấu, “chết yểu” hoặc có tuổi thọ ngắn. Điều đó cũng dẫn đến thực trạng các tác giả vẫn còn lúng túng trong sáng tạo của mình.

Một số tác giả coi việc được nhà hát đặt hàng hoặc đồng ý dàn dựng tác phẩm là... sự ngẫu nhiên và may mắn. Tác giả Cao Minh thừa nhận: “Thực tế nhiều năm nay, mối quan hệ giữa nhà hát và tác giả hết sức lỏng lẻo, thậm chí hơn nữa là quan hệ xin - cho. Đôi khi để kịch bản được dựng, tác giả còn phải “này nọ”, nhiêu khê lắm”.

Còn tác giả Nguyễn Hiếu lại bày tỏ, “Có những đơn vị nghệ thuật lại tỏ ra không coi trọng kịch bản được các tác giả gửi đến. Nhận kịch bản của tác giả, những người có trách nhiệm không hề đọc hoặc không trả lời, hoặc trả lời một cách qua loa, cửa quyền thiếu tôn trọng tác giả”.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản biện lại rằng, việc các kịch bản được gửi đến có thể chưa phù hợp với nhà hát. Bởi lâu nay, mối quan hệ giữa tác giả với nhà hát có thể hiểu theo nhiều chiều: Phong cách nhà hát có phù hợp với tác giả hay không, có nhà hát chỉ phù hợp với những đề tài dân gian, lịch sử ít khi dựng vở hiện đại… Về điều này, PGS-TS Trần Trí Trắc thẳng thắn cho biết, các nhà hát ở Hà Nội chưa tạo được phong cách riêng. Tất cả giống nhau theo kiểu rập khuôn phục vụ chính trị một cách máy móc: Ta thắng - địch thua, tiên tiến thắng lạc hậu, tích cực thì ca ngợi… dẫn đến tình trạng “thừa vở yếu, thiếu vở hay”. Ngay cả các tác giả đã gặt hái được thành công với những giải thưởng cao quý tại các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu nhưng nhiều tác phẩm sau đó lại bị đưa vào kho “chôn vùi” mọi giá trị.

Một vấn đề nữa còn tồn tại của các sân khấu kịch hiện nay đó là tình trạng “ăn đong” kịch bản. “Các nhà hát khi tham dự các hội diễn đều mang những vở từ những năm 1970, tức là đã qua mấy chục năm, đem “hâm” lại bởi vậy sân khấu rơi vào khủng hoảng là điều đương nhiên” - nhà viết kịch Ngọc Thụ bày tỏ.

Tìm một hướng đi riêng - điều không đơn giản

“Thực trạng sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu Thủ đô nói riêng mấy chục năm qua cho thấy, hình như các tác giả kịch bản sân khấu là những người đứng ngoài cuộc. Ai có kịch bản cứ gửi đến các nhà hát, nếu thấy phù hợp nhà hát sẽ dựng và tác giả sẽ có một khoản tiền nhất định. Thậm chí khi vở được công diễn, tác giả còn không nhận ra “đứa con tinh thần” của mình, bởi đạo diễn đã mặc sức thay đổi với cách nghĩ của họ” - nhà biên kịch Cao Minh bức xúc nói.

Có thể nói, mỗi nhà hát, sân khấu có những tác giả gắn bó với đơn vị cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động được các tiết mục, đáp ứng những yêu cầu thời sự, và nhiệm vụ chính trị của nhà hát. Tuy nhiên, điều này cũng vô tình làm cho phong cách của nhà hát trở nên đơn điệu, một chiều, thiếu đi sự sáng tạo. Trong trường hợp này suy nghĩ “cứ viết sẽ được dựng” cũng làm giảm đi sự sáng tạo, hoặc sự châm chước của chính nhà hát cũng sẽ đưa tác giả đi vào con đường mòn nghệ thuật. Bởi vậy, nhà hát luôn cần sự am hiểu nhất định của tác giả còn về phía tác giả, nên tận dụng khả năng sáng tạo, đổi mới trong hình thức thể hiện, đồng thời nắm rõ “chất nghệ” đặc trưng của từng sân khấu.

Với thực trạng sân khấu nước ta hiện nay, đứng trước sự cạnh tranh, lấn át của nhiều loại hình giải trí hiện đại, để tìm một hướng đi là điều không hề đơn giản. Nhất là khi, dường như các nhà hát còn chưa tỏ rõ sự quan tâm đến vấn đề trên, vì thế mà một số buổi tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi các vấn đề giữa mối quan hệ nhà hát và tác giả vẫn chỉ là một buổi “độc diễn” của các tác giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn