MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: “Một khi đam mê là sẽ bất chấp…”

Mai Châu LDO | 18/09/2019 19:39

Tham gia thực hiện nhiều chương trình âm nhạc, đặc biệt tâm huyết với dòng nhạc cổ điển và giao hưởng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng không ngại “mang tiếng” khó tính bởi với anh, điều gì “khó” mới tạo nên điều thú vị và quyết tâm chinh phục.

Lâu nay mọi người nhắc đến Trần Mạnh Hùng thường nhắc đến cụm từ kỹ tính, dường như đã mặc định mình là một nhạc sĩ khó tính, anh nói gì về điều này?

- Tôi thích thế! Tại sao tôi lại trở thành người khó tính, vì căn bản người Việt Nam dễ tính, họ thấy chỉ cần ở mức này ổn còn tôi lại mong đạt được mức khác đã là thành chuyện rồi. Tôi vẫn thường nói với sinh viên của mình rằng, đừng bao giờ lấy tôi là đích đến cuối cùng vì cỡ như tôi ở nước ngoài chắc không ai thuê dạy sáng tác, khéo chỉ làm gã trông xe ở nhạc viện. Đối với thước đo của bản thân, tôi vui vì mình vẫn chưa sa ngã cũng như chưa dễ dãi, đôi khi càng về già mệt mỏi lại rất dễ buông xuôi.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng có những đánh giá thẳng thắn về dòng nhạc giao hưởng, cổ điển hiện nay. Ảnh: NVCC. 

Làm việc với một dàn nhạc chuyên nghiệp như Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, cụ thể nhạc trưởng là người nước ngoài, việc rào cản ngôn ngữ có khiến anh gặp áp lực?

- Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian học với chuyên gia dạy sáng tác cho mình, lúc đó tôi không cần phiên dịch khi vốn tiếng Anh chỉ là con số 0, là bởi âm nhạc vốn không cần phải nói bằng lời. Với lần làm việc với nhạc trưởng của dàn nhạc Mặt Trời cũng vậy, chúng tôi thậm chí chẳng cần trao đổi những câu đại loại như “chỗ này anh cần chậm lại, chỗ kia anh cần nhanh hơn”. Âm nhạc là không biên giới, hơn nữa với một dàn nhạc tư nhân như Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời đã chứng tỏ âm nhạc cổ điển Việt Nam bước sang một giai đoạn khác về phát triển văn hóa, không hề kém cạnh với thị trường quốc tế.

Anh đánh giá thế nào về sự tiếp nhận của khán giả hiện nay đối với dòng nhạc cổ điển và giao hưởng?

- Rất tiếc khán giả Việt Nam không sớm được giới thiệu, tiếp cận với dòng nhạc giao hưởng hay thứ gì đó gọi là cổ điển, vì thế họ gặp khó khăn trong việc tiếp thu. So với thế giới, khán giả mình không có sự trải nghiệm âm nhạc một cách phong phú và sâu rộng. Và không chỉ riêng khán giả mà ngay cả nghệ sĩ cũng vậy. Ngay từ khi trẻ em đi học nên cho tiếp cận môi trường âm nhạc đa dạng, từ nhạc Rock, Jazz, Dance rồi thính phòng và cải lương v.v… Sự trải nghiệm này giống như thưởng thức nhiều loại món ăn, có món thích món không, tuy nhiên, mỗi thứ cần phải thử và biết.

Tức là âm nhạc cần sự định hướng?

- Không, là cần sự trải nghiệm. Chúng ta phải tạo cơ hội và cho công chúng cọ xát mới có thể cảm nhận được. Đặc biệt là giới trẻ, ngay từ khi họ được trải nghiệm sớm sẽ có được một nền tảng thẩm mỹ tốt hơn, mà khi đã có thẩm mỹ tốt, nghệ sĩ cũng buộc phải chuyển mình, sẽ khó thể làm qua loa gọi là cho có được nữa.

Nhạc sĩ cũng kỳ vọng vào lớp nghệ sĩ trẻ - như Phạm Thuỳ Dung sẽ làm “nên chuyện” trong tương lai.

Anh từng là giám đốc âm nhạc của rất nhiều chương trình, đặc biệt là liên quan đến các chương trình nhạc giao hưởng, vậy điều gì khiến anh nhận lời hỗ trợ cho liveshow “Trăng hát” của nữ ca sĩ trẻ Phạm Thuỳ Dung diễn ra vào ngày 29.9 tới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội?

- Tôi cho đấy là cơ hội dành cho chính bản thân mình. Một ca sĩ hát với dàn nhạc giao hưởng bây giờ khá ít. Ngoài việc tốn kém và mất rất nhiều thời gian, còn phải là người có tiềm lực, có khả năng và quyết tâm cao. Phạm Thuỳ Dung thể hiện cho tôi thấy là một nữ nghệ sĩ chỉn chu, khiêm tốn, cầu thị và quan trọng có thể bứt phá được. Còn tôi chỉ làm công việc người đứng sau trợ giúp cô ấy tiến nhanh hơn, đạt đúng thứ mình cần.

Mặc dù bỏ nhiều công sức cho chương trình của Phạm Thuỳ Dung nhưng chưa chắc nhận lại được sự quan tâm lớn của khán giả, giống như các đêm nhạc giải trí, anh đánh giá ra sao về ý kiến này?  

- Chúng tôi đã quen với chuyện này nên không còn để tâm quá nhiều. Việt Nam hay thế giới đều có một mẫu số chung, âm nhạc cần sự vững bền, có thể hôm nay nổi lên bản “hit” này ngày mai đã có bản khác “chiếm ngôi” nhưng đôi khi xuất hiện êm đềm lại bền lâu, âm nhạc thú vị là ở điểm đấy. Mỗi người có một cách lựa chọn khác nhau, có đi theo và gắn kết cả đời không là do chính mình.

Ở thời đại này, nghệ sĩ thính phòng hoàn toàn có một cuộc sống bình thường, không giàu nhưng cũng không quá khó khăn. Chúng tôi một khi đã đam mê là bất chấp để theo đuổi đến cùng, ví dụ khi biểu diễn mà đạt được cảm xúc thăng hoa thì cũng chả quan trọng là bán được bao nhiêu vé và có nhiều khán giả xem hay không, nghệ sĩ mà…  

Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn