MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân 100 năm ngày sinh họa sĩ Tạ Thúc Bình: Trong trẻo và hồn hậu

TRỊNH TÚ LDO | 03/05/2017 08:26
Cùng khóa 15 (1941 - 1945) khóa cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương với Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam..., Tạ Thúc Bình đã sớm tìm cho mình một sở trường riêng đúng với bản chất của ông, bình dị, tinh tế.

Ông chuyên về lụa và bột màu. Cái đẹp trong sáng nhiều ẩn dụ của tranh lụa thấm vào ông qua con đường rất hàn lâm của hội họa phương Tây mà ông được hấp thụ tại nhà trường tạo ra một phong cách rất riêng biệt gần với cách nhìn bình đồ của tranh dân gian. Tác phẩm của ông thường gắn liền với những sự kiện của đời sống, cho dù có khắc nghiệt và gian khó đến đâu, ông cũng luôn nhìn ra vẻ đẹp của người của cảnh.

Buổi sớm trong đầm. Ảnh: TGCC.

Ông tham gia cuộc kháng chiến 9 năm từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, cũng như biết bao trí thức, văn nghệ sĩ, mang trong mình một khát vọng độc lập, một tinh thần lãng mạn bước vào những năm tháng hào hùng của cả dân tộc. Điều đó đã cho ông một cách nhìn thật mới mẻ, hồ hởi trong sáng. Những tác phẩm lớn của ông cũng ở giai đoạn này, như những bức lụa khổ lớn: "Góp thóc vào kho", "Mùa lúa chín", "Mừng hội làng"..., cùng những ký họa màu trên từng chặng đường. "Góp thóc vào kho" là một thí dụ điển hình về sự điêu luyện của bút pháp cộng với cách bố cục hoàn toàn Á Đông theo đơn tuyến bình đồ, với toàn cảnh được nhìn từ trên xuống.

Bức tranh rất động với gần 500 nhân vật, không ai giống ai từ dáng hình, động tác đến sự biểu cảm trên từng khuôn mặt. Nhưng bao trùm lên cả là niềm vui sống động trong sáng của một đời sống mới tràn đầy niềm tin. Niềm tin cùng với một tình cảm chân thành là những yếu tố thiết yếu để tái tạo nên một tác phẩm đích thực, cho dù đề tài của nó là gì đi nữa, ngay cả một bức tranh cổ động cũng vậy. Hội họa Việt Nam đã từng có những tác phẩm để đời, ghi dấu vàng son trên cùng một chủ đề hoàn toàn là thời sự và chính trị trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trong số đó có tác phẩm của Tạ Thúc Bình. Ông không hề vẽ với ý thức phục vụ cho một chủ trương đường lối nào mà ngược lại, những diễn biến của mọi chủ trương đều là nguyên liệu cần để ông bày tỏ cảm xúc chân thành của mình trên từng tác phẩm như người giữ lửa để sưởi ấm trái tim mình. Vì thế, ông mới ghi dấu lại được những khuôn mặt, những khung cảnh rộng lớn của một thời khắc lịch sử nay đã không còn nữa. Những thế hệ học trò của ông, với rất nhiều người đã thành danh, một phần nào ngoài chuyện dạy nghề, đã lưu giữ được ngọn lửa ấm áp đó. Ông là một trong những người thầy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam của nước Việt Nam mới cho đến ngày nghỉ hưu.

Có một ngọn lửa nhỏ nữa, ông sưởi ấm trái tim trẻ thơ là những chuyện tranh lịch sử. Ở những năm 60 của thế kỷ trước, hầu như đứa trẻ nào cũng có trong mình những cuốn chuyện tranh của ông do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, những “Tấm Cám”, “Bánh chưng bánh dày”, “Con cóc là cậu ông Trời”, “Thạch Sanh”, “Thánh Gióng”, “Sự tích trầu cau”... đã đi vào tuổi thơ của mấy thế hệ. Một nghệ sĩ đã chia sẻ lòng mình cho mảnh đất này từ chuyện đại sự quốc gia đến giấc ngủ trẻ thơ bằng một tình cảm chân thành như ông thật hiếm hoi và đáng trân trọng. Mảnh đất và con người hôm nay vẫn đang giữ gìn tác phẩm của ông như gìn giữ những điều lành mạnh, trong sáng trong tâm khảm mỗi người để đối mặt với một đời sống quá nhiều xô bồ, phức tạp.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh, những tác phẩm còn lại của ông sẽ được trưng bày tại nhà triển lãm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 42 Yết Kiêu, Hà Nội từ 4 - 6.5.2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn