MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng cục Du lịch cùng các địa phương đã sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15.3 tới đây. Ảnh: LĐ

Nhiệm vụ trọng tâm trong việc mở cửa trở lại du lịch Việt Nam

Thanh Hương LDO | 21/02/2022 14:24

Trong cuộc họp tổ chức vào sáng ngày 21.2 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Nguyễn Trùng Khánh đã nêu những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện khi du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới.

Đối với việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15.3 tới đây, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) đã cùng phối hợp xây dựng với các bộ ban ngành địa phương, các doanh nghiệp lữ hành nhằm sẵn sàng chuẩn bị mọi thứ được tốt nhất để nhằm đảm bảo an toàn khi đón khách, kích cầu và phục hồi ngành du lịch Việt Nam trong thời gian sớm nhất. 

Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên mà ngành du lịch Việt Nam chú trọng đến chính là đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng, một điều kiện tiên quyết để mở cửa trở lại hoạt động du lịch.

Mặc dù trong thời gian qua, việc kiểm soát dịch bệnh trong và ngoài nước cũng có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số nguy cơ có thể thấy được đó chính là các biến chủng mới; sự chênh lệch độ bao phủ tiêm vaccine giữa các địa phương hay giữa các độ tuổi; hay những khác biệt về quy định về phòng chống dịch hay cách ly… 

Nhiều địa phương lên kế hoạch đón khách quốc tế trong giai đoạn 2. Ảnh: LĐ

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Du lịch trong thời gia tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để điều chỉnh, ban hành quy định về y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong quá trình mở cửa trở lại.

Nhiệm vụ thứ 2, Tổng cục Du lịch đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng lại chính sách thị thực nhập cảnh đối với khách quốc tế đến Việt Nam như trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, thời điểm 2019 - 2020.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ là mở cửa an toàn, khoa học và hiệu quả thì cần sớm khôi phục lại chính sách này, có như thế ngành du lịch Việt Nam mới có điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, cũng như tạo sự hấp dẫn và thu hút sự trở lại của du khách quốc tế sau khoảng thời gian “nghỉ đông” vì dịch bệnh.

Nhiệm vụ kế tiếp là hộ chiếu vaccine khi đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã công nhận 79 giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, điều này sẽ khiến việc du lịch nước ngoài hay hoạt động du lịch outbound bị hạn chế cũng như làm mất cân bằng trong quá trình thực hiện các chuyến bay quốc tế. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, các đơn vị liên quan cùng thúc đẩy gia tăng thêm số lượng quốc gia công nhận giấy tiêm chủng của Việt Nam.

Một nhiệm vụ khác mà Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm là chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực của ngành. Đối với ngành du lịch Việt Nam trong 2 năm qua các khu du lịch đóng cửa không phục vụ đón khách, vì thế cơ sở vật chất bị xuống cấp trầm trọng. Còn nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch – một lực lượng nòng cốt phần lớn bị phân tán và chuyển sang ngành nghề khác.

Tổng cục Du lịch tiếp tục quảng bá mạnh mẽ chương trình “Live Fully in Vietnam – Trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam”. Ảnh: TCLD

Vì vậy, để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa sắp tới, ngành du lịch phục hồi trở lại và cung ứng những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách thì nhiệm vụ cần làm trước mắt chính là hoàn thiện, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm mới nhằm phục vụ khách du lịch. Đồng thời, có những chính sách tốt, tạo sự hứng khởi cho người lao động trở lại làm việc trong ngành du lịch.

Nhiệm vụ tiếp theo là chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Sau dịch COVID-19, các điểm đến của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều trở lại vạch xuất phát ban đầu. Các quốc gia đang nỗ lực xây dựng kế hoạch riêng để mở cửa lại du lịch theo những cách và điều kiện khác nhau.

Việc mở cửa trở lại này được xem là cuộc cạnh tranh khá khốc liệt trong bối cảnh mới, đòi hỏi các quốc gia cần phải có sự chuẩn bị kỹ về sản phẩm, về các tiêu chí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ cùng các địa phương hoàn thiện cơ sở vật chất, điểm đến để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp sớm đạt được mục tiêu đề ra của ngành Du lịch nước ta trong quá trình mở cửa sắp tới.

Nhiệm vụ cuối cùng là vấn đề truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đánh giá của ông Nguyễn Trùng Khánh, mặc dù trong 2 năm vừa qua, du lịch Việt Nam không mở cửa đón khách du lịch quốc tế nhưng việc trao đổi, duy trì kết nối thường xuyên với các thị trường khách mục tiêu của Việt Nam vẫn được duy trì. Chính vì vậy, thông tin tìm kiếm điểm đến của Du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của bạn bè quốc tế.

Để triển khai có hiệu quả công tác truyền thông xúc tiến quảng bá du lịch tại thị trường nước ngoài, Tổng cục Du lịch cũng xây dựng một số kế hoạch như tiếp tục triển khai quảng bá chương trình “Live Fully in Vietnam – Trải nghiệm trọn vẹn tại Việt Nam”; thực hiện các công tác truyền thông trên các nền tảng số của Tổng cục Du lịch; tham gia các hội chợ du lich quốc tế lớn tổ chức trên thế giới, nhất là hội chợ du lịch quốc tế lớn được tổ chức tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Đông Bắc Á, Tây Âu, Nga…; giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các đài truyền hình uy tín của quốc tế; phối kết hợp với các cơ quan đại diện, trưởng ban đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp truyền thông, đưa tin việc mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam.

Đặc biệt, sẽ có cơ chế chính sách nhằm kích cầu, phục hồi du lịch nội địa nói riêng cũng như đưa khách quốc tế nhanh chóng trở lại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn