MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt may áo dài để mặc đi họp ở nghị trường

Huyền Chi LDO | 02/06/2023 14:15

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh và nhiều nữ đại biểu khác đã chọn trang phục là áo dài ngũ thân.

Nhiều ngày qua, đề xuất cho phép các đại biểu mặc áo dài ngũ thân truyền thống tại các phiên họp, viếng Lăng Bác, chào cờ của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) được dư luận quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống Đình làng Việt - cho biết, ông nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ tư vấn may áo dài ngũ thân truyền thống từ các đại biểu Quốc hội.

"Đại biểu đến từ Bạc Liêu, Vĩnh Long, Nghệ An, Thái Bình đặt may áo dài ngũ thân để đi họp Quốc hội. Trước kỳ họp, các đại biểu nữ đặt và mặc thấy đẹp nên rủ các đại biểu khác mặc cùng" - ông Nguyễn Đức Bình tiết lộ.

Theo ông Bình, nhiều đại biểu Quốc hội chia sẻ rằng, họ muốn mặc trang phục thoải mái, giản dị, không thích diêm dúa. Khi ngồi trong phòng máy lạnh, áo ngũ thân cũng có thể giữ ấm.

Các đại biểu nữ mặc áo dài ngũ thân dự kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Nói về xu hướng lựa chọn áo dài ngũ thân của các đại biểu Quốc hội và phụ nữ nói chung, họa sĩ Nguyễn Đức Bình đánh giá: "Trước kia, áo ngũ thân là trang phục mặc thường ngày nên được may dáng suông, rộng rãi, không lộ đường cong cơ thể. Với áo dài ngũ thân, dáng người béo hay gầy đều có thể mặc được. 

Còn áo dài hiện đại phải bó sát cơ thể, phô diễn đường cong. Thậm chí, muốn mặc áo dài hiện đại đẹp thì phải độn ngực. Việc mặc đồ bó sát có thể gây mệt mỏi, nhất là với những người thường xuyên phải mặc áo dài. 

Có thể nói, tính ứng dụng, đi vào đời sống của áo ngũ thân cao hơn. Việc nhiều người chuyển sang mặc áo dài ngũ thân là điều hết sức tự nhiên".

Trước đó, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh khẳng định, việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh hướng đến đề xuất xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước.

"Việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao" - ông Nguyễn Văn Cảnh nói.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Trung Quốc và Phan Thanh Bình cũng mặc áo ngũ thân trong phiên bế mạc.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh từng đưa đề xuất việc nam giới mặc áo dài. Bà Khánh đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong thời gian tới báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Tuy nhiên, đến nay, đề án về trang phục truyền thống vẫn chưa được thông qua do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh và nhiều đại biểu Quốc hội chọn trang phục áo dài ngũ thân. Ảnh: Quốc hội

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn