MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Bảo Trâm là một trong những nghệ sĩ lên tiếng bảo vệ quyền sở hữu tác phẩm.

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề bản quyền

Đ.B LDO | 24/04/2019 15:40

Nhấn mạnh, nhiều nghệ sĩ Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bản quyền, đạo diễn Việt Tú cho hay, đây là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng quyền tác giả, tác phẩm tại Việt Nam đang có nhiều bất cập.

Tham gia với tư cách diễn giả tại một hội thảo hướng đến Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (24.4), đạo diễn Việt Tú khẳng định, nhiều nghệ sĩ ở nước ta hiện nay chưa thực sự quan tâm đến bản quyền, thậm chí tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. Anh cho rằng, nhiều nghệ sĩ khi nói đến bản quyền giống như "người ngoài hành tinh". Còn đối với bản thân đạo diễn Việt Tú, vì quá chặt chẽ trong các điều khoản liên quan đến bản quyền cho nên trong các hợp đồng công việc, anh thường bị khách hàng xa lánh, đồng nghiệp thì khó hiểu.

 Đạo diễn Việt Tú. Ảnh: Q.A

Nữ ca sĩ Bảo Trâm Idol cũng cho rằng, đã đến lúc nghệ sĩ Việt Nam cần có ý thức về việc thực hiện và bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm.

 Bảo Trâm (mặc váy đỏ).

Ở góc độ pháp luật, luật sư Quách Minh Trí cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang có những câu chuyện “khóc, cười”.

Anh viện dẫn về việc các tác phẩm âm nhạc Việt Nam từng đối diện với vấn nạn bị ăn cắp bản quyền. Người sở hữu các tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam từng rơi vào tình cảnh tác phẩm của mình bị khai thác lạm dụng mà không thể làm được gì. Luật sư Minh Trí đánh giá cao sự ra đời của các tổ chức bảo vệ quyền tác giả như VCPMC - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Điều đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề hội họa, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nhắc đến các vấn nạn về tranh giả, tranh chép. Anh cho rằng, hội họa là lĩnh vực mà vấn đề về sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền đang bị xem nhẹ nhất. Theo nhà điêu khắc, trong khi thị trường tranh giả đang ngày càng tràn lan thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có các chế tài quản lý một cách chặt chẽ.

 Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trả lời phỏng vấn.

Bà Phạm Ngọc Mai Anh, chuyên gia truyền thông lại đưa ra cảnh báo, đừng để trí tuệ Việt chỉ đi "gia công" cho nước ngoài.

Theo bà Mai Anh, khái niệm dùng phần mềm “chùa”, crack rất phổ biến trong xã hội, nhất là với bộ phận giới trẻ. Khi cần một phần mềm, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc lên mạng tìm kiếm để download bản crack trước khi nghĩ đến việc bỏ tiền ra mua…"

"Hiện nay startup công nghệ của Việt Nam phát triển rất nhiều nhưng thành công không được bao nhiêu, một phần cũng là vì môi trường để phát triển chưa có. Nếu chúng ta muốn phát triển một môi trường lành mạnh, phát huy được yếu tố sáng tạo và trí tuệ của người Việt thì trước hết phải trân trọng công sức của những người làm ra nó. Từ đó, họ mới có động lực để đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để làm ra các sản phẩm hay, mà không phải chỉ đi gia công cho nước ngoài”, chuyên gia truyền thông nhận định.

Hội thảo Bảo vệ tài sản sáng tạo hướng đến ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4), nhằm nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, từng bước cải thiện ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn