MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều nhạc sĩ rời trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc vì vấn đề bản quyền?

Đào Bích LDO | 13/04/2018 17:29

Sau những ồn ào tranh cãi về vấn đề thiếu minh bạch trong công tác thu - chi tiền tác quyền âm nhạc, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đang đối diện với những khủng hoảng và cạnh tranh từ thị trường. 

Sự việc gia đình nhạc sĩ An Thuyên quyết định rút hết các tác phẩm tại VCPMC đã làm dấy lên những băn khoăn trong dư luận và giới âm nhạc. Theo một nguồn tin, sau nhạc sĩ An Thuyên, một số nhạc sĩ khác cũng bắt đầu ngừng hợp tác với VCPMC trong vấn đề quản lý và khai thác tác phẩm.

Dù là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc, tuy nhiên VCPMC không còn giữ vị trí độc quyền ở Việt Nam hiện nay. Sau những ồn ào tranh cãi xung quanh vấn đề thu chi tiền tác quyền âm nhạc trong nhiều năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, VCPMC đang đối diện với những khủng hoảng liên quan đến việc một số tác giả ngừng hợp tác, sự phát triển mạnh mẽ của nhiều đơn vị trong lĩnh vực tác quyền âm nhạc.

Người đầu tiên lên tiếng tố VCPMC thu chi thiếu minh bạch là nhạc sĩ Phú Quang. Những phản ứng gay gắt của tác giả "Em ơi! Hà Nội phố" từng làm dấy lên những tranh cãi giữa ông và VCPMC. Bản thân nhạc sĩ Phú Quang cũng từng là thành viên của VCPMC. Tuy nhiên, do nhiều bất đồng, ông đã sớm rút các tác phẩm của mình ra khỏi đơn vị này.

Trao đổi với Lao Động, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC hiện nay thừa nhận, thời gian qua có rất nhiều trung tâm, nhiều công ty kinh doanh âm nhạc nổi lên, nhiều nhạc sĩ cũng đã rút khỏi VCPMC.

"Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ sau một thời gian rời khỏi VCPMC đã quay lại tiếp tục hợp tác và ủy quyền cho VCPMC thực hiện. Bản thân VCPMC luôn mở rộng vòng tay chào đón sự trở lại. Đơn giản chúng tôi quan niệm, luôn mong muốn làm những điều tốt nhất cho bản quyền Việt Nam”, ông nói.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay, các tổ chức bảo vệ quyền tác giả là tinh hoa của thế giới đã được đúc rút kinh nghiệm hơn 2 thế kỷ. Riêng ở Việt Nam mới là những khởi đầu đi theo quy trình đó với các công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết. 

Giám đốc VCPMC lấy ví dụ về các tác giả lớn hiện nay như Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thời gian đầu, gia đình cũng đặt nhiều nghi vấn, không tin tưởng những việc làm của VCPMC, nhưng sau một thời gian tự quản lý tác phẩm không thành thì họ quay lại ủy thác cho VCPMC thực hiện. Việc hợp tác tính đến nay vẫn hoàn toàn tốt đẹp. 

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đại diện VCPMC cũng khẳng định, việc thu chi tiền tác quyền diễn ra hoàn toàn minh bạch, đàng hoàng. 

Ngoài trường hợp về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn có các tác giả khác như Phạm Duy, Lam Phương. Trước đó, nhạc sĩ Phạm Duy từng ủy quyền toàn bộ cho Phương Nam Phim. Tuy nhiên, Phương Nam Phim chỉ nhận thực hiện quyền liên quan (đó là những trường hợp sản xuất bằng đĩa, hay những chương trình biểu diễn phải xin phép Phương Nam Phim) còn đối với bản quyền tác giả, họ đã ký hợp đồng ủy quyền lại cho VCPMC thực hiện.

Tương tự trường hợp nhạc sĩ Lam Phương, tuy ông đã ký ủy thác với Bến Thành Audio nhưng đơn vị này cũng chỉ quản lý quyền liên quan và chuyển giao toàn bộ cho VCPMC quản lý và bảo vệ đúng theo luật bản quyền tác giả.

 Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đại diện của gia đình đã ủy quyền cho VCPMC trong vấn đề khai thác tiền tác quyền từ các nhạc phẩm của ông. Ảnh: Zing.vn

Về việc gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên rút các tác phẩm của ông khỏi VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho rằng đó là chuyện rất bình thường. 

Theo ông, lúc sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên ủy thác cho VCPMC, còn khi mất đi thì quyền thừa kế thứ nhất thuộc về vợ và các con của nhạc sĩ. Bởi vậy, khi gia đình có đủ lực để tự quản lý và khai thác các tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ, đại diện VCPMC cho hay, họ rất lấy làm mừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn