MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thợ lò Nguyễn Trọng Thái cạy om đá từ mặt gương. Ảnh: N.H

Thợ lò xuất sắc ngành than Nguyễn Trọng Thái - “Cứ thẳng đường mà bước!”

NGUYỄN HÙNG LDO | 20/05/2017 06:15
Sinh năm 1974, quê Hải Dương, với trên 23 năm liên tục làm thợ lò của Cty CP than Hà Lầm, thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Nguyễn Trọng Thái - một trong các thợ lò đặc biệt xuất sắc của ngành than hiện nay - đã tạo ra vô số những kỷ lục, những thành tích đặc biệt mà hoặc do nỗ lực của riêng anh, hoặc do anh cùng đồng đội.
Anh bảo, phần vì yêu nghề, phần vì “không đứng núi này trông núi kia” dù có những thời điểm ngành than vô cùng khó khăn, khiến nhiều người bỏ nghề, nên anh “cứ thẳng đường mà bước” để vượt qua mọi khó khăn, thách thức của nghề thuộc diện nguy hiểm, độc hại nhất lâu nay.

2 lần được vinh danh tại “Vinh quang Việt Nam”

Đây là lần thứ 3 tôi viết về anh, và anh cũng là một đề tài được nhiều đồng nghiệp khác khai thác, nhưng tôi vẫn tin ở anh luôn có những điểm mới, nhất là trong công việc, bởi nghề thợ lò - càng xuống sâu càng đòi hỏi những sáng tạo, sáng kiến mới, ngoài lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm. Và, thợ lò Nguyễn Trọng Thái hội đủ những phẩm chất đó.

Chiều 19.5, gọi điện cho anh không được, hỏi các anh chị ở Văn phòng Cty CP than Hà Lầm thì được biết, Nguyễn Trọng Thái vẫn đang ở dưới lò, dù cuối buổi chiều cùng ngày anh phải cùng Cty chuẩn bị rất nhiều thứ để sáng sớm 20.5, anh lên Hà Nội dự lễ “Vinh quang Việt Nam: Dấu ấn 30 năm đổi mới”, do Tổng LĐLĐVN tổ chức. “Tôi là lính chiến” - anh từng tâm sự với tôi như thế. Tôi vẫn dõi theo và biết tinh thần đó trong anh vẫn hừng hực, dù anh đã làm thợ lò tại Cty CP than Hà Lầm được gần 26 năm và năm nay đã 44 tuổi. Anh có thể nghỉ hôm nay để lên Hà Nội sớm, nhưng ở tít sâu trong lòng đất, với biết bao gian nan, thách thức đang chờ anh và đồng đội xử lý để các bộ phận tiếp theo triển khai công việc.

Rời quê Hải Dương năm 18 tuổi, Nguyễn Trọng Thái đầu quân cho Than Hà Lầm. Từ đó đến nay, anh chỉ làm ở một đơn vị duy nhất - Công trường kiến thiết cơ bản 1 (chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than), thuộc Cty CP than Hà Lâm, nằm trên địa bàn phường Hà Lầm, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Gần 23 năm gắn bó nghề thợ lò thì có 19 năm tính đến thời điểm này, anh là tổ trưởng tổ đào lò mang chính tên mình - tổ Nguyễn Trọng Thái, gồm khoảng 30 thành viên. Quy định ở Than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng thì tổ mang tên người đó - như một cách vừa khích lệ tinh thần làm việc cũng như tăng trọng trách của người đứng đầu.

Từng đó năm chỉ huy tổ thợ đào lò mang tên mình, tổ Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì ở vị trí đứng đầu, không chỉ ở Cty CP than Hà Lầm mà còn ở toàn ngành than, với những kỷ lục: Năng suất cao nhất và ít sự cố nhất. Liên tục 7 năm liền, từ 2001-2007, tổ Nguyễn Trọng Thái dẫn đầu TKV về sản lượng đào lò, với mức bình quân từ 2,1 - 2,4m/ca trên tiết diện 8,5 - 12,5m2. Bình quân, mỗi năm tổ của anh đào được khoảng 3.000m đường lò - một thành tích đáng nể trong ngành than.

Nguyễn Trọng Thái cũng là một trong những “cây” sáng kiến của TKV. Năm nào anh cũng có ít nhất vài ba sáng kiến, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao độ an toàn trong sản xuất cho Cty. Không ít lần, anh “ôm” hàng chục triệu tiền thưởng về nhà do sáng kiến mang lại hiệu quả lớn cho công ty. Trừ mấy năm đầu mới vào nghề, còn sau đó, năm nào anh cũng đạt danh hiệu thợ đào lò xuất sắc nhất của Tập đoàn TKV và là số ít giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua của tập đoàn 10 năm liền.

Với những đóng góp, thành tích đặc biệt của mình, Nguyễn Trọng Thái đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2007; Huân chương Lao Động hạng Ba, năm 2010; Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương, năm 2012; Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, năm 2013. Và đặc biệt, với việc lọt vào danh sách cuối cùng gồm 30 tập thể, cá nhân xứng đáng nhất của “Vinh quang Việt Nam: Dấu ấn 30 năm đổi mới” - 2017, anh 2 lần được “Vinh quang Việt Nam” vinh danh.

Thợ lò Nguyễn Trọng Thái (giữa) báo cáo phương án mở đường lò trước lãnh đạo công ty. Ảnh: N.H

Xứng danh thủ lĩnh

Lớp thợ lò này đến, lớp kia đi, tổ đào lò lừng danh TKV cơ bản chỉ còn anh ở lại cho đến giờ. Trong đó, có những thợ lò từng dưới quyền anh nay đã trở thành lãnh đạo, như giám đốc hiện nay của Cty CP than Hà Lầm. Nguyên Giám đốc Cty CP than Hà Lầm - ông Ngô Thế Phiệt - một chuyên gia lão luyện về hầm lò khi được điều sang làm Giám đốc Cty CP than Núi Béo để giúp Cty này chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang hầm lò - đùa với anh rằng: “Nếu có quyền, tao sẽ kéo mày sang Núi Béo”. Trọng Thái bảo, anh chẳng đi đâu nữa, vì “đây là nhà mình rồi”. Than Hà Lầm đã cho anh nhiều thứ, nghề thợ lò vốn khắc nghiệt, hiểm nguy đã rèn giũa và vinh danh anh nhiều lần.

Anh bảo nói ra thì nhiều người không tin, nhưng thực sự anh yêu nghề thợ lò. Ngay từ khi bước vào nghề, đã xác định được những vất vả, khó khăn của người thợ, nên cứ “thẳng đường mà bước”, chứ không “đứng núi nọ, trông núi kia”, khiến nhiều thợ lò bỏ nghề. Có dạo, để kiếm sống, tan ca làm, anh về chạy xe ôm, hoặc giúp vợ buôn bán, nhưng vẫn quyết không bỏ nghề. Một trong những lý do khiến anh yêu nghề thợ lò là, công việc luôn đòi hỏi sự đồng tâm, thống nhất của cả một tập thể; nếu không, khó có thể vượt qua những khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập trong lòng đất.

Trong rất nhiều những phần thưởng cao quý, anh yêu và xúc động nhất là “phần thưởng” được lãnh đạo Cty CP than Hà Lầm chọn là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300 - độ khai thác sâu nhất của toàn ngành than vào năm 2011. Đây có thể coi như “phần thưởng cuộc đời” của anh, nhưng cũng là bước ngoặt lịch sử của ngành than khi chính thức mở ra một giai đoạn chinh phục độ sâu mới của toàn ngành. Không những vậy, Nguyễn Trọng Thái còn vinh dự được chọn mẫu chân để đúc bước chân thợ mỏ ở độ sâu -300m. Hiện vật đặc biệt được đúc bằng đồng này hiện đang được lưu giữ tại phòng truyền thống của Cty CP than Hà Lầm. Anh khiêm tốn chia sẻ, rằng còn nhiều người xứng đáng hơn anh, nhưng thôi “cứ làm việc hết mình thì nghề chẳng phụ”.

Một trong những kỷ niệm đẹp và khó quên đối với Nguyễn Trọng Thái và các đồng nghiệp có lẽ là lần trực tiếp tham gia giải cứu 12 nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tháng 12.2014, tại tỉnh Lâm Đồng, khiến 12 công nhân bị mặc kẹt sâu trong lòng đất. Ngay khi sự cố xảy ra, một trong những thợ lò cự phách đầu tiên của ngành than được lãnh đạo TKV điều vào trong Lâm Đồng để phối hợp với các lực lượng khác cứu hộ, cứu nạn là Nguyễn Trọng Thái. Ngay lập tức, anh dẫn nhóm 5 thợ lò của Cty CP than Hà Lầm bay vào Lâm Đồng, cùng với các nhóm thợ lò của một số công ty thành viên khác của TKV.

Các chiến sĩ công binh là những người đầu tiên tiếp cận và đưa 12 nạn nhân ra ngoài an toàn, nhưng đây là chiến công chung của tất cả các lực lượng tham gia, trong đó có những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quý báu và hỗ trợ lẫn nhau của đội cứu hộ ngành than, mà ở đó có vai trò của Nguyễn Trọng Thái.

Một buổi tối ở Đà Lạt, sau khi cứu hộ thành công 12 nạn nhân, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng mời mấy anh em của TKV, trong đó có Nguyễn Trọng Thái đi uống cà phê, trò chuyện. Những tư vấn của anh và đồng đội ở TKV được lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao, giúp cho việc đào hầm, tìm kiếm, giải cứu nạn nhân nhanh và hiệu quả hơn. 

Danh sách 30 tập thể, cá nhân được vinh danh
TẬP THỂ (12 ĐƠN VỊ)
- Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bộ Quốc phòng
- Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao
- Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng
- Tổng Công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng
- Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C47), Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ
- Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, Bộ Giao thông Vận tải
- Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang 
- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM, thành phố Hồ Chí Minh
- Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Bộ Công Thương
CÁ NHÂN (18 CÁ NHÂN)
- Ông Nguyễn Đăng Nghiêm - Tổng Giám đốc Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng
- Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, tỉnh Quảng Nam
- GS-VS-TSKH Nguyễn Văn Hiệu - nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
- GS-TS-TTND Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bộ Y tế
- Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk
- Đại tá Hoàng Xuân Vinh - Vận động viên Đội tuyển bắn súng, Bộ Quốc phòng
- GS-TS-NGND Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Đại học Hàng Hải
- Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải - THACO
- Bà Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù TPHCM
- Ông Lý Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, tỉnh Bình Dương
- GS-BS-TTND Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM
- Ông Trịnh Văn Y - Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường tỉnh Bến Tre 
- Ông Đặng Văn Thân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện
- GS-TS-NGƯT Nguyễn Thị Kim Lan - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm 
Thái Nguyên
- Ông Hồ Quang Cua - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng
- Đại tá Lê Hồng Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hải Phòng
- Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam
- Ông Nguyễn Trọng Thái - Tổ trưởng sản xuất, Công ty CP than Hà Lầm, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn