MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những khoảnh khắc cuối cùng tại tang lễ nhà văn Lê Lựu

Mai Hương LDO | 11/11/2022 09:25
Theo thông tin từ gia đình, Nhà văn Lê Lựu về nơi an nghỉ cuối cùng vào sáng ngày 11.11 tại Khoái Châu, Hưng Yên.

Chia sẻ với Lao Động, anh Lê Việt Chiến, con trai út nhà văn Lê Lựu cho biết: "Có lẽ tâm nguyện lớn nhất của ba tôi là muốn các con cái được hạnh phúc. Từ đầu năm, ba tôi về quê và không nói được gì, chỉ nhận biết con cháu xung quanh.

Vì ở xa nên những ngày gần đây, tôi thường xuyên trao đổi thông tin với mọi người ở quê về tình hình của ba và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".

Anh Lê Việt Chiến cũng cho biết thêm, sau lễ truy điệu nhà văn Lê Lựu tổ chức lúc 7h20 sáng 11.11, ông được đưa đi hỏa táng và quay trở về an táng tại nghĩa trang thôn Mạn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Nhà văn của "Thời xa vắng" đã ra đi trong sự tiếc nhớ của đông đảo các thế hệ người viết. Ảnh: Mai Hương 

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942 ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia quân đội từ hồi còn trẻ, từng làm phóng viên báo Quân khu 3, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559 - đường Trường Sơn. Lê Lựu thuộc thế hệ học viên đầu tiên của Trường bồi dưỡng viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Lê Lựu qua đời sau nhiều năm chống chọi bệnh tật. Ảnh: Mai Hương

Sau chiến tranh, ông làm biên tập viên rồi Trưởng ban Văn xuôi, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông về hưu với quân hàm đại tá rồi làm giám đốc Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam nhiều năm trước khi ngã bệnh.

Sức khỏe nhà văn Lê Lựu suy yếu từ năm 2006, ông thường xuyên ra vào bệnh viện. Năm 2013, ông cho biết: "Tôi bị tai biến mạch máu não, lần này là lần thứ năm, rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Tất cả là 14 bệnh". Cuộc sống của ông bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm.

Những vòng hoa kính viếng nhà văn Lê Lựu đặt tại tang lễ. Ảnh: Mai Hương

Những năm cuối đời ông trở về quê để con cái chăm sóc. Sau nhiều năm rời quê hương, ông lại trở về làng quê, sống trong vòng tay yêu thương của những người thân và bà con lối xóm.

Tuy không còn hiện diện thường xuyên trong làng văn nhưng tên tuổi của ông vẫn được nhắc nhớ, tác phẩm của ông vẫn giữ nguyên giá trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn