MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số văn thơ chạm khắc trên vách đá hang động Tàng Chân, Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Từ Ân

Những ký ức thế giới trên vách đá Ngũ Hành Sơn

Tường Minh LDO | 24/01/2023 19:37

Một sự kiện văn hóa lớn của Việt Nam đã diễn ra vào những ngày cuối năm 2022 khi “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam” chính thức được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công nhận là Di sản tư liệu thế giới. 

Bộ sử của Phật giáo Xứ Đàng Trong

“Ma nhai” là một từ Hán - Việt cổ. Chữ ma có nghĩa là mài giũa, va chạm… Chữ nhai nghĩa là sườn núi, vách núi... Hai chữ này hợp lại, có nghĩa là chạm khắc vào vách núi, vách đá. Trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ “ma nhai” được dùng cũng đúng theo nghĩa này, chỉ vào việc đục đẽo, chạm khắc hình ảnh, từ ngữ… trên vách núi đá.

Động Huyền Không, nơi có đến 60 bia ma nhai nhưng chỉ còn 36 bia tương đối nguyên vẹn. Ảnh: Từ Ân

“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, “Ma nhai Ngũ Hành Sơn” được xem là bộ sưu tập tác giả - gồm cả vua Minh Mạng với nhiều bài thơ ngự chế, 2 tấm bia khắc đại tự “Vọng Giang đài” và “Vọng Hải đài” thể hiện tư duy của người đứng đầu triều Nguyễn.

Ngoài ngự bút của vua Minh Mạng, bia còn thơ đề của các đại thần triều Nguyễn như: Đào Tấn, Trương Quang Đản, Nguyễn Văn Mại, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thuật, Cao Xuân Dục… Đặc biệt, ma nhai Ngũ Hành Sơn được xem là bộ sử của Phật giáo Xứ Đàng Trong, bắt đầu với tấm bia chữ Hán có niên đại 1622 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Đại đức Thích Không Nhiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) nhận định khi nghiên cứu về ma nhai Ngũ Hành Sơn: "So với các địa chỉ lưu dấu ma nhai nổi tiếng cả nước, ma nhai Ngũ Hành Sơn vượt trội về mặt số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều".

Gạch nối giữa tiền nhân và hậu thế

TS Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Đà Nẵng (thành viên Hội đồng Khoa học thẩm định hồ sơ ma nhai Ngũ Hành Sơn đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới), đánh giá hệ thống tư liệu ma nhai Ngũ Hành Sơn là một bộ phận cấu thành quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Chữ khắc trên đá ở Ngũ Hành Sơn được vinh danh là Di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Từ Ân

Hệ thống tư liệu ma nhai hiện còn là dấu nối giữa tiền nhân và hậu thế, là nhịp cầu giao lưu, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia, dân tộc trong khu vực.

Đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị nhiều mặt về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

Trong đó, ma nhai “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” lưu giữ những “ký ức” về mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ 17.

“Với những giá trị nổi bật đó, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) đánh giá cao và công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được các thành viên của MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học”, TS Nguyễn Hoàng Thân cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn