MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một gian hàng tò he, nơi những người làm nghề chia sẻ cách làm một chiếc tò he cho các em nhỏ. Ảnh: Trần Thi

Những người giữ lửa cho tò he ngày Tết

Nam Quyên LDO | 08/02/2024 15:00

Món đồ chơi dân gian tò he đã có giai đoạn tưởng chừng bị quên lãng giữa hàng triệu món đồ chơi hiện đại. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những người âm thầm lưu giữ và nhiệt huyết với nghề nặn tò he. Tại Đà Nẵng, nhiều năm gần đây, các gian hàng tò he xuất hiện trở lại và được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân lẫn du khách, nhất là vào dịp Tết.

Tò he là trò chơi dân gian Việt Nam. Hình ảnh những người nặn tỉ mỉ ngồi vo, nặn những tảng bột, chất dẻo màu sắc thành các hình thù đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Ngày nay, sản phẩm tò he được làm thủ công rất đa dạng nhiều hình dáng từ truyền thống như linh vật gà, hổ, chuột... đến các nhân vật trong phim hoạt hình hiện đại. Giá của những con tò he này giao động từ 20.000 – 100.000 đồng. Có nơi còn bán được với mức giá 350.000 tùy theo sản phẩm.

Tại một góc phố đường Phan Đăng Lưu, ông Lê Minh Thạch (trú quận Cẩm Lệ) gần 30 năm qua đã theo nghề tò he với hi vọng nghề truyền thống này sẽ không bị lãng quên.

Ông Thạch với "tiệm" tò he di động. Ảnh: Nam Quyên

Theo ông Thạch, nguyên liệu làm ra những con tò he thay đổi theo thời gian. “Ngày xưa tôi làm tò he theo công thức bột, ba gạo một nếp. Còn hiện tại là các nguyên liệu đất của Nhật, đất Thái, đất Trung Quốc và đất Việt Nam, trong đó đất Nhật có tuổi thọ cao hơn, màu sắc đẹp và bền hơn” – ông Thạch cho hay.

Gắn bó với nghề không mấy ai mặn mà nhưng ông Thạch rất vui mừng vì thời gian gần đây tò he được chú ý nhiều hơn, nhiều bạn trẻ đến xem và chia sẻ với ông về nghề tò he.

Đây cũng là điều dễ nhận thấy khi tại ngày hội chúc mừng năm mới 2024 được tổ chức ở Bảo tàng Đà Nẵng, gian hàng tò hè của ông Nguyễn Văn Kính thu hút rất đông người đến xem và mua. Ông Kính là một người làm tò he đã 35 năm nay. Ông thường xuyên tham gia các phiên chợ, lễ hội tại các bảo tàng, sự kiện… có nhiều người trẻ đến dự để có thể lan tỏa tình yêu với món đồ chơi dân gian.

Gian hàng tò he của ông Kính có đông người tham gia. Ảnh: Trần Thi

Theo ông Kính, thời hiện nay, trẻ em có rất nhiều đồ chơi hiện đại, những đồ chơi dân gian ít được để ý đến như ngày xưa. Nhưng qua những lần tham gia tại các phiên chợ, ông Kính gặp được nhiều trẻ em thích thú với tò he, từ đó ông nhận ra các em vẫn yêu thích với đồ chơi này. Tuy nhiên, do không được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều nên nhiều thế hệ có thể đã lãng quên tò he. Điều này cũng là động lực để ông tiếp tục với nghề.

Năm nay, những chiếc tò he của ông Thạch, ông Kính có thêm con rồng – con giáp của năm. Nhiều em nhỏ, du khách tại Đà Nẵng tỏ ra thích thú. Có người ngồi cả giờ đồng hồ để xem cách người thợ nặn ra hình bông hoa, con rồng.

Chị Nguyễn Châu An (quận Sơn Trà) là một trong số những vị khách đó. Chị đã ngồi rất lâu để đợi con trải nghiệm nặn tò he. Chị rất vui khi thấy lại hình ảnh đã gắn liền với tuổi thơ của mình và mong muốn sẽ có nhiều hơn những trải nghiệm này để đưa con đến tham dự.

Nhờ đó, những người nặn tò he có thêm động lực gắn bó với nghề. Mỗi tác phẩm làm ra có sự tận tâm, tình yêu của một người làm nghề và mong rằng, mỗi dịp lễ, Tết những đứa trẻ ở phố hay ở nông thôn cũng sẽ lại được ngắm nhìn to he, được nghe về câu chuyện của món trò chơi dân gian của nhiều thế hệ người Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn