MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong Lễ Gạ ma thú mỗi gia đình Hà Nhì ở cực Tây không thể thiếu những quả trứng đỏ mang lại may mắn. Ảnh: Lỳ Mỳ Xứ

Những quả trứng đỏ độc đáo trong Lễ Gạ ma thú ở cực Tây

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 03/04/2022 09:57

Điện Biên - Lễ Gạ ma thú hay còn gọi là Lễ cúng bản là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Vào dịp này, trong mỗi gia đình không thể thiếu những quả trứng đỏ vô cùng độc đáo.

Lễ Gạ ma thú của dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên – cực Tây Tổ quốc thường diễn ra vào mùa xuân (cuối tháng 2, đầu tháng 3 Âm lịch) nhằm hướng về cội nguồn, tổ tiên, tạ ơn trời đất, cầu mong một năm mới sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Trong một năm, người Hà Nhì có 2 tết và 1 lễ được coi là rất quan trọng, đó là Tết cơm mới, Tết mùa mưa và Lễ cúng bản - Đó là những nghi lễ lớn, quan trọng trong năm và mang tính cộng đồng.

Theo nghệ nhân Pờ Dần Xinh – bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, những quả trứng đỏ dịp tổ chức Lễ Gạ ma thú có ý nghĩa rất đặc biệt là đem lại may mắn cho mọi người.

“Có 2 thứ không thể thiếu, đó là trứng đỏ và cơm vàng – những thứ mang lại sự may mắn cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng trong bản” – ông Xinh nói.

Trứng đỏ, cơm vàng – những thứ mang lại sự may mắn cho mọi người.

Theo nghệ nhân Pờ Dần Xinh, ngày xưa trong Lễ cúng bản người ta thường dùng 3 loại trứng (đỏ, vàng, trắng) nhưng sau đó thì chỉ dùng trứng đỏ và cơm vàng. Tất cả màu sắc được nhuộm từ những loại lá cây rừng nên không độc hại cho sức khỏe.

Trứng đỏ sau khi cúng được đựng vào trong nhưng cái giỏ đan bằng tre hoặc đựng trong những chiếc túi lưới kết bằng vải nhuộm màu đỏ rồi chia cho mọi người kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Theo đó, người già thì được những giỏ trứng đan bằng tre, còn trẻ nhỏ thì được chia các túi trứng và chúng thường đeo ở cổ đi chơi và khoe với chúng bạn.

Theo truyền thống, Lễ gạ ma thú thường được tổ chức trong 3 ngày với 2 phần gồm nghi lễ và phần hội với nhiều trò chơi, ca hát mang đậm yếu tố truyền thống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Tuy nhiên, mấy năm qua do yếu tố dịch bệnh nên Lễ Gạ ma thú chỉ còn được duy trì phần nghi lễ.

Khi làm lễ Gạ ma thú, dân làng phải dừng các công việc trên nương rẫy, không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, trong lòng đất như con dúi, con nhím, tê tê... để tránh rủi ro cho dân bản.

Vì trứng đỏ đem lại may mắn nên trong dịp này có những gia đình nhuộm hàng trăm quả để phát lộc cho con cháu và khách mời.

Trong phần nghi lễ, các thầy cúng sẽ thực hiện với 7 mâm cúng ở các đị điểm khác nhau như đầu bản, cổng bản, thần nước, thần lửa, thần đất, thần rừng và thần gió. Riêng đối với mâm cúng thứ 8  - cúng vong linh thì 3 năm mới thực hiện một lần.

Sau lễ cúng, đại diện các gia đình đã dâng lễ sẽ xin lộc là bát cơm nếp nhuộm vàng và những quả trứng nhuộm đỏ. Gia đình nào trong năm có thêm thành viên mới phải dâng thêm một phần lễ đặc biệt để thày cúng báo cáo với thần linh và cầu mong con cháu luôn khỏe mạnh, may mắn.

Với giá trị tiêu biểu mang yếu tố truyền thống đặc sắc, từ năm 2019 Lễ Gạ ma thú - Lễ cúng bản của dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn