MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những thế giới đẹp đẽ đã bị đánh mất bên sông Ô Lâu

Hoàng Văn Minh LDO | 31/08/2021 17:42

Tôi từng tuyệt vọng, cứ tưởng những thế giới tuyệt đẹp về ngôi làng của mình đã bị đánh mất vĩnh viễn, cho đến khi tôi gặp lại chúng sống động qua những những trang viết “Bên sông Ô Lâu” của Phi Tân ở Huế.

Ảnh: Tường Minh

Ngay trong phòng ngủ của tôi có một tổ chim sẻ. Bọn sẻ làm tổ ở cái lỗ thông ống dẫn gas máy điều hoà cũ, nay đã bỏ hoang vì dàn nóng được chuyển đến một vị trí khác.

Nghe những tiếng “chiếp chiếp” mạnh mẽ như muốn bùng ra thế giới bên ngoài, tôi đoán chắc bọn sẻ cũng sắp đủ lông cánh và cái tổ này đã được dựng từ lâu lắm rồi. Nhưng đến hôm nay, khi khu chung cư bị phong toả cứng vì dịch bệnh, bị nhốt trong các bức tường sâu lạnh mênh mang, tôi mới nghe được tiếng chim và phát hiện ra chúng vào một sớm mai thức giấc.    

Dùng chân kéo rèm cửa sổ để kiếm tí nắng sáng, nhưng hoá ra ngoài kia đang mưa đầu mùa. Những giọt dài rả rích cộng với tiếng chiêm chiếp của bọn sẻ khiến tôi mềm người vì bỗng nghe quay quắt nhớ mạ, nhớ nhà. Rồi sực nhớ nhớ trong đống sách ngổn ngang ở đầu giường, còn cuốn tạp bút “Bên sông Ô Lâu” của Phi Tân nhận được đã lâu nhưng chưa kịp đọc. Thế là nằm ườn sờ soạng tìm sách rồi đọc luôn một mạch.

Xong rồi cứ ngẩn ngơ tự hỏi: 57 tạp bút trong “Bên sông Ô Lâu”, rõ ràng là viết chuyện làng mình, về những địa danh mình thuộc như lòng bàn tay, về những gương mặt mình đã gặp, đã quen; về những phong tục tập quán, thứ âm thanh hay trò chơi trẻ còn mình đã từng đắm chìm trong đó… Nhưng sao chuyện nào cũng lạ, cũng hay, cũng là phát hiện khiến tôi nghe mình cứ dấm dứ day dứt rằng hơn 40 năm có mặt trên đời, hình như mình đã bỏ qua, đã vô tình hoang phí một thứ gì đó đẹp đẽ của đời sống ban tặng…   

Giật mình bởi Phi Tân có khả năng quan sát, đào sâu các chi tiết và ghi nhớ tỉ mẩn như một người nghiên cứu sử chuyên nghiệp. Cảm giác như anh không chỉ hiểu đến chân tơ kẽ tóc về làng của mình mà còn như thể đã “sống” nhiều hơn người khác bội lần, đã đắm mình trong đó từ rất nhiều kiếp sống khác nhau. Tất cả cộng với câu chữ tự nhiên như hơi thở, không làm dáng, không cố “làm văn” khiến những làng quê bên sông Ô Lâu hiển hiện vừa thân quen vừa lạ lẫm.   

Thân quen là vì cũng là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nhưng lạ lẫm bởi đó là những thế giới đẹp đẽ của biết bao thế hệ cha ông kể từ ngày theo chân các chúa Nguyễn vào đấy lập làng gầy dựng truyền đời đã và đang bị đánh mất bởi quy luật phát triển của đời sống và xã hội.

Và những thế giới đẹp đẽ bị đánh mất ấy, không chỉ là chuyện riêng của những ngôi làng ở miệt Ngũ Điền nép bên dòng Ô Lâu của Huế mà là chuyện chung của tất cả những làng quê ở khắp cả nước. Để rồi thi thoảng ai đó thảng thốt, như kiểu tôi giật mình phát hiện lũ chim sẻ làm tổ ngay trong phòng ngủ khi chúng sắp sửa bay đi vào một ngày toàn thành phố bị phong toả. “Bên sông Ô Lâu”, ai cũng có thể gặp lại quá vãng của mình và ai cũng bàng hoàng rằng những mất mát ấy hình như là của riêng mình…    

Phi Tân là nhà báo đang làm việc tại Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên –Huế và là một cây bút, người bình luận về bóng đá rất hay và duyên. Nhưng kể từ khi xuất bản tập tạp văn “Ngoại ô thương nhớ” vào năm ngoái và bây giờ là “Bên sông Ô Lâu” (tới đây là “Về Huế ăn cơm”), anh đã đỉnh đạc bước vào “chiếu văn” dù có thể anh không muốn cũng chưa bao giờ nghĩ là mình đang viết văn hay viết để trở thành nhà văn.

Nhiều năm trước, trong một bút ký cũng viết về chính ngôi làng mình bên sông Ô Lâu, tôi kết: “Lại sực nhớ sinh ra ở phá Tam Giang, uống nước phá Tam Giang mà lớn nhưng đi qua không biết bao nhiêu tháng năm, tôi mới nhận ra mình chẳng hiểu biết chút gì về con “sông Mẹ” ngoài những nhớ nhung, hồi ức về thời thơ ấu. Thật ra, để qua lại tới mức không còn ý niệm bến bờ như ông lái đò là sự "ngộ" của thánh nhân. Nhưng sống không giống người thì buồn lắm, nên để được coi ra dáng một con người, đôi khi chỉ cần đi hết, hiểu hết ngôi làng của mình là đủ…”.

Nhưng giờ tôi mới biết là mình mộng tưởng, mãi vẫn “sống không giống người” bởi “đi hết làng mình”, có chăng chỉ là Phi Tân, tác giả của “Bên sông Ô Lâu” và nhiều tạp bút hay ho khác…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn