MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Nói bậy" bằng âm nhạc: Đừng nổi tiếng bằng những thứ dung tục

Linh Chi - TAN LDO | 25/10/2018 08:30
Liên quan đến những tranh cãi xoay quanh tiêu đề ca khúc "Như lời đồn", "Nắng cực",... bị cho là phản cảm, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối và nhắn nhủ các nhạc sĩ trẻ không nên nổi tiếng bằng những thứ dung tục, phi nghệ thuật.

This browser does not support the video element.

Hiện nay một số ca khúc bị cho là có tiêu đề nhạy cảm, dung tục "Như lời đồn", "Nắng cực",... Ông có biết và suy nghĩ như thế nào về những bài hát này?

- Tôi có theo dõi trên các thông tin đại chúng, qua những bạn bè làm công tác sáng tác. Gần đây có nhiều sáng tác của những nhạc sĩ bắt đầu có tên tuổi lại mang tiêu đề rất phản cảm như: "Nắng cực", "Như lời đồn",... khi nói lái.

Nói lái phải cực kì giỏi mới có thể nói được một cách văn minh, dí dỏm và hài hước. Nếu không có đủ trình độ nói lái sẽ thành dung tục, nhất là khi đưa điều đó vào nghệ thuật để truyền tải lại cho người nghe nhất là lớp trẻ.

Tôi cực lực phản đối điều này vì nghệ thuật không chấp nhận những thứ mang tính dung tục và hàm ý tục tĩu, không giúp người ta thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt thì không nên. Theo tôi, nên tỉnh táo, nên để mọi người biết đến mình bằng tài năng chứ không phải bằng việc dùng những thứ dung tục. 

Một số người cho rằng đây thể hiện sự phá cách, nổi loạn của tuổi trẻ và nghĩ những lời nhận xét của thế hệ trước là khá khắt khe. Ông nghĩ sao?

- Mỗi thời đại một khác, thời chúng tôi trải qua những lúc đất nước còn chiến tranh. Còn bây giờ hòa bình, bước vào xây dựng kinh tế thì vai trò giải trí, hưởng thụ rất quan trọng.

Chúng tôi không cổ điển mà rất ủng hộ vấn đề hòa nhập với xu hướng của thế giới. Nhưng cái gì cũng phải có văn hóa, cái đẹp, xã hội con người phải có quy luật. Chúng ta biết mọi điều trên thế giới nhưng không thể biến những điều không phải nghệ thuật như nói tục, nói bậy cho rằng đó là văn minh. 

 "Như lời đồn" bị chỉ trích vì tiêu đề có hơi hướng phản cảm, dung tục. 

Hiện tại, việc quản lý các ca khúc còn nhiều khó khăn đặc biệt khi mạng xã hội như YouTube, Facebook... phát triển như hiện nay. Theo ông đâu là giải pháp để siết chặt quản lý? 

- Con người sáng tạo ra khoa học nên cũng có thể quản lý được chẳng qua là có muốn hay không. Tôi cho rằng cần phải có một cơ chế kiểm soát nhất định. Ví dụ, những hình ảnh tục tĩu trên Youtube đã hạn chế được, vậy tại sao bài hát lại không? Tôi nghĩ, tất cả các kênh thông tin đều phải kiểm soát, không thể để những thứ dung tục lên là điều tốt nhất. 

Ông có lời nhắn nhủ gì tới cho lớp nhạc sĩ trẻ

- Tất cả mọi thứ sẽ qua đi, những cái hay cái đẹp tử tế sẽ tồn tại. Các bạn hãy làm những gì tốt đẹp để làm đóng góp cho nghệ thuật, còn những điều để lại tiếng xấu thì không nên. Mỗi người, nhất là các nhạc sĩ trẻ, hãy cố gắng đóng góp cho nghệ thuật để sau này còn lưu tên mãi mới là điều quan trọng. 

Cảm ơn ông đã chia sẻ! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn