MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh gương minh hoạ thơ của vua Thiệu Trị treo tại điện Long An. Ảnh: Tường Minh

Nội dung và giá trị mỹ thuật độc đáo của tranh gương cung đình Huế

Tường Minh LDO | 02/03/2023 14:30
Huế - Chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế về cơ bản cũng gồm 3 loại chính là thơ ngự chế, vịnh cảnh đẹp và minh hoạ điển tích.

Tranh thơ ngự chế

Loại tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, loại này hiện nay tại Huế còn lại 40 bức khá nguyên vẹn.

Tranh gương tại lăng vua Tự Đức. Ảnh: Tường Minh 

Các bức tranh này cũng chia làm một số loại sau: Tranh đề vịnh các cảnh đẹp của đất Thần kinh, chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng nhưng cũng có một số cảnh không nằm trong số này.

Tiêu biểu cho loại trên có thể kể ra như: Trùng minh viễn chiếu, Vĩnh Thiệu Phương văn, Thiên Mụ chung thanh, Thường Mậu quan canh, Cao các sinh lương, Lang tập quần phương...

Chủ đề chính của loại tranh này là mô tả và ca ngợi cảnh đẹp của Kinh đô, phù hợp với các bài thơ ngự chế vịnh kèm. Đáng chú ý là các bức tranh gương không chỉ minh họa cho 20 bài thơ chính vịnh 20 cảnh đã được xếp hạng mà còn minh họa cho các chùm, bài thơ vịnh các tiểu cảnh của 20 cảnh trên. 

Tranh minh hoạ bài thơ vịnh các mùa

Tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thi... như: Hàn chung, Giang luyện, Sơn quang, Nguyệt ảnh...

Dù chủ đề có khác nhau nhưng về kỹ thuật vẽ tranh và cách phối màu của loại tranh này đều cơ bản giống nhau.

Hầu hết những tranh này thiên về bảng màu lạnh, cảnh sắc và cả mái nhà đều là màu xanh, mây trời cũng trắng xanh, chỉ có cột nhà đỏ và viền nét vàng. Tất cả được vẽ rất chi tiết, mảng màu vờn chuyển sắc độ tinh tế, các nhân vật được tỉa tót tỉ mỉ, bố cục dựa trên viễn cận xã hội theo tâm lí ngược với chiều nhìn tự nhiên.

Hai bức tranh gương tại điện Long An. Ảnh: Tường Minh 

Họa gia tưởng tượng những cảnh trong thơ của vua Thiệu Trị theo thiên nhiên xứ lạnh mà họ đang sống và thể hiện theo lối "công bút" rất cẩn thận. Những tranh này vẽ trực tiếp lên mặt sau của kính, vẽ và viết theo lối "bản âm" để khi nhìn mặt trước trở thành bản dương, màu ngoài vẽ trước, màu trong vẽ sau và cuối cùng mới vẽ màu nền. Màu tốt bền, ngày nay vẫn giữ nguyên.

Tranh không đề thơ

Loại tranh không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề tranh như trên đã nói, là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa như: Nhậm dụng tam kiệt, nói về Hán Cao Tổ dùng 3 người tài, Chiêu nho giảng kinh, nói về tích Hán Tuyên đế mời thầy giáo đến giảng kinh sách, còn Dạ phân giảng kinh là tích Hán Quán Vũ tổ chức giảng kinh vào lúc nửa đêm...

Về kỹ thuật vẽ của loại tranh này, theo đánh giá của giáo sư Chu Quang Trứ, trong sách Mỹ thuật Huế, do Viện Mỹ thuật và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp xuất bản năm 1992: "..tuy vẽ không kỹ bằng những bức tranh có đề thơ "Ngự chế", nhưng cũng tỉa tót tỉ mỉ, thiên về dùng màu đỏ ấm nhưng pha chế không kỹ nên nhiều mảng bị ố".

Tranh tĩnh vật

Loại tranh vẽ tĩnh vật thì chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Trái với ý kiến của giáo sư Chu Quang Trứ, một số nhà nghiên cứu ở Huế lại đánh giá khá cao chất lượng nghệ thuật của các bức tranh gương thuộc loại này.

Ví như sự hiện diện của tranh gương tĩnh vật thời Nguyễn được chứng tỏ qua 10 bức tranh gương cỡ 50 x 60cm, treo trên tường các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh.

Họa tiết gồm bình hoa quả phẩm, lư trầm hay nghiên bút... đặt trên những kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn.

Màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của kỷ, màu xanh ngọc của bình hoa... làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn