MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi trăn trở của người làm nghề đèn lồng

Anh Tú - Thủy Tiên LDO | 13/08/2022 14:28

TPHCM - Hiện nay, vào mùa Tết Trung thu đã không còn không khí nhộn nhịp làm đèn lồng truyền thống, không còn không khí đốt đèn của những chiếc đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân mà thay vào đó là các loại đèn Trung thu từ Trung Quốc làm bằng nhựa, sử dụng pin để thắp sáng đèn và phát nhạc. Đó cũng là nỗi trăn trở của những người làm nghề lồng đèn truyền thống, nhưng không vì thế mà đánh mất tình yêu với nghề.

Đau đáu nỗi lo thất truyền

Khoảng hơn chục năm về trước, cả xóm Phú Bình (P.5, Q.11, TPHCM) đã nức tiếng khắp thành phố, những chiếc đèn lồng mang đậm phong cách dân gian như ông sao, cá chép, bươm bướm... sẽ từ đây tỏa đi khắp mọi nơi, chắp cánh cho niềm vui của các em trong đêm hội trăng rằm.

Do sự xuất hiện của nhiều kiểu đèn lồng hiện đại hơn nên nghề làm đèn lồng truyền thống dần bị mai một. 

Đèn lồng Phú Bình có “thương hiệu”, không những đẹp, mang những nét đặc trưng văn hóa truyền thống mà hầu như cái “hồn” của người nghệ nhân cũng được gửi vào trong từng sản phẩm. Trước kia, cả xóm Phú Bình những ngày đầu tháng bảy Âm lịch luôn tất bật làm đèn lồng thì nay chỉ lác đác vài hộ còn bám với nghề. 

Bà Mai Thị Hiệp (65 tuổi) theo nghề dán lồng đèn từ hồi lên 7 tuổi. “Thời của tôi, nhà nào cũng làm mấy chục ngàn đèn. Người này lấy đèn, người kia giao đèn nó tấp nập lắm, còn bây giờ thì vắng rồi”,  bà Hiệp bồi hồi chia sẻ.

Bà Mai Thị Hiệp đang cặm cụi  dán từng chiếc lồng đèn. Ành: Anh Tú

Sau đó, vì thu nhập từ nghề này ít ỏi nên bà Hiệp cũng phải làm thêm việc bán bánh cuốn, khi nào tới mùa Trung thu thì mới nhận một ít lồng đèn về dán cho có thêm đồng ra đồng vô. Bà nói cái nghề làm lồng đèn truyền thống này bấp bênh lắm nên cũng nhiều người không theo nữa, họ kiếm công việc ít tốn thời gian hơn và có thu nhập tốt hơn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quyền, 63 tuổi (quận 11, TPHCM) đã gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống trên 20 năm, ông thở dài: “Bây giờ ít người còn làm lắm, con cái người ta lớn đi ra riêng ở, lấy chồng lấy vợ rồi nó không thích làm nghề này nữa mà đi làm nghề khác”.

Mỗi chiếc đèn lồng hoàn thiện mang bán sỉ giá chưa tới 20 ngàn đồng, trong khi hai vợ chồng ông Quyền hay cả những người nghệ nhân khác phải rục rịch chuẩn bị vật liệu làm đèn trước mùa Trung thu 6 tháng, rồi cũng phải thuê thêm người dán lồng đèn phụ mới có thể làm được nhiều sản phẩm hơn, kinh tế ổn định hơn. Vào đúng mùa là ông Quyên gác lại việc chạy xe ôm lại và tập trung toàn thời gian gia công lồng đèn. 

“Cái tâm mình làm, cứ tới mùa là làm”

May mắn hơn nhiều nhà nghề khác, nguồn nhiệt tâm với nghề của gia đình ông Quyền vẫn còn chảy sang thế hệ sau. Ông tự hào, cười nói: “Với nhà tôi nghề này vẫn sống mãi hoài, vợ chồng tôi làm, con tôi lớn lên cũng làm, mình già rồi thì mình ngồi chỉ bảo cho con làm. Vậy là mãn nguyện rồi!”

Nghề làm đèn lồng yêu cầu sự khéo léo và tỉ mỉ cao. Trong ảnh ông Nguyễn Văn Quyền và vợ đang cặm cụi vuốt tre tạo hình cho lồng đèn.

Bắt đầu qua Tết là ông Quyền nghĩ đến Trung Thu, rồi đi mua tre về làm. “Tôi yêu nghề lắm chứ có phải không yêu đâu! Làm cái lồng đèn này đâu phải chỉ cho người ta đâu mà có con em mình trong đó nữa. Cho nên cái tâm của tôi vừa làm cho con em người ta, vừa làm cho con em mình chơi. Kinh phí, đồng tiền nó chẳng đáng bao nhiêu, cốt ở cái tâm mình làm, cứ tới mùa là làm không cần biết mối lái lấy hay không”, ông Quyền chia sẻ.

Còn với bà Hiệp, tuy một ngày chỉ dán chừng mười lăm chiếc, tiền công mỗi chiếc thì chỉ có vài nghìn đồng nhưng bà đã gắn bó, đeo đuổi công việc này gần nửa đời người và chưa có ý định dừng lại. 

Lớp thế hệ trẻ ngày càng ít mặn mà với nghề làm lồng đèn giấy truyền thống. 

Bên cạnh tình yêu cho nghề làm lồng đèn truyền thống, người thợ phải thích nghi và biến chuyển linh động để truyền thống cạnh tranh vị thế với hiện đại hóa bây giờ. Cụ thể là chiếc đèn lồng truyền thống ngày nay cần phải sáng tạo mẫu mã, nét vẽ mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, dù làm gì vẫn phải giữ được nét truyền thống, giữ nó không hòa lẫn vào những chiếc đèn lồng hiện đại.

Bà Châu Ngọc (TPHCM) năm nào cũng đặt hàng chục chiếc đèn lồng giấy kiếng cho con cháu và những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn chơi Trung thu. Bà cho rằng phải có những chiếc lồng đèn truyền thống mới đúng không khí trẩy hội trăng rằm. Bà kể: “Hồi năm tuổi bảy tuổi là tôi đã biết chơi lồng đèn ngôi sao rồi, khi đốt lên nó lung linh lung linh vậy đó. Tôi cùng lũ bạn ca hát quanh chiếc lồng đèn, nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và tuổi thơ của chúng tôi”.

 Không khí mua bán trầm lắng tại phố mua bán lồng đèn Phú Bình, quận 11.

Những nhà đèn tại xóm Phú Bình dù đã không còn không khí rộn rã như xưa nhưng không vì thế mà mai một hay mất đi nét đẹp làng nghề lồng đèn giấy kiếng truyền thống. Với những người thợ lành nghề như bà Hiệp, ông Quyền lấy nỗi lo thất truyền để làm động lực giữ gìn và phát triển lồng đèn giấy kiếng chỉn chu, sáng tạo dựa trên cái truyền thống theo cách hiện đại hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn