MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Bảy Nam - một tượng đài của cải lương Việt Nam. Ảnh: TLGĐ.

NSND Bảy Nam: 70 năm vinh quang và bài học quý giá cho NSND Kim Cương

ĐÔNG DU LDO | 28/06/2023 17:46
Cố NSND Bảy Nam có 70 năm theo đuổi nghệ thuật cho đến khi bà giã biệt trần thế. Bà để lại nhiều bài học cho thế hệ cải lương về sau, trong đó có con gái là NSND Kim Cương.

Một đời vinh quang nhưng lắm thăng trầm của NSND Bảy Nam

NSND Bảy Nam tên thật Lê Thị Nam, bà sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang, trong gia đình có chín người con thì đến bảy người đã trở thành nghệ sĩ sân khấu.

Đi hát từ năm 14 tuổi (khoảng 1926, 1927), với nghệ danh cực kỳ chân chất: Bảy Nam, bà lập nên vô số kỷ lục: Là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương (19 tuổi đã lập gánh hát - gánh Nam Hưng), nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với vô số kịch bản: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung...

Hai vở diễn thành công nhất trong sự nghiệp diễn xuất của bà, đó là vở "Lá sầu riêng" và "Bông hồng cài áo". Chỉ hai vở ấy thôi cũng đủ chứng minh tài năng tuyệt vời, làm rung động biết bao trái tim khán giả. 

Khoảng 70 năm theo nghiệp, bà trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời.  Trong đó, có những biến cố như con mất, chồng qua đời đều trên đường lưu diễn, trong chiến tranh loạn lạc khiến bà không ít lần tan nát cõi lòng.

Trong số những người con của bà, nổi tiếng nhất là kỳ nữ Kim Cương. Thuở đó, ông Nguyễn Phước Cương, bầu gánh hát Phước Cương kết hôn với chị gái của bà là nghệ sĩ Năm Phỉ. Nhưng vì xảy ra nhiều mâu thuẫn nên hai người li hôn. Sau đó, ông Cương tái hôn với bà Bảy Nam. NSND Kim Cương chính là con ruột của hai ông bà.

NSND Bảy Nam và con gái Kim Cương. Ảnh: TLGĐ.
 

Gia bảo vở "Lá sầu riêng"

Nhắc đến NSND Bảy Nam, khán giả, bạn nghề nhớ đến "Lá sầu riêng" - tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.

Dù hiện tại, khi xem lại vở diễn với màn hình đen trắng, những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên trong lòng khán giả. Vở kịch "Lá sầu riêng" thành công đến hiện tại chính là đề cập đến đạo hiếu mà người Việt Nam coi là có ý nghĩa hàng đầu trong việc tu dưỡng về nhân cách.

Qua diễn xuất chân thật về người mẹ của NSND Bảy Nam (NSND Kim Cương đóng vai con gái), "Lá sầu riêng" được xem là "gia bảo" của gia đình bà. Cho đến nay, dù ai diễn lại vở này cũng đều không thể vượt được cái bóng quá lớn của hai mẹ con NSND Bảy Nam để lại.

Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên vở diễn này chinh phục khán giả, nghệ sĩ Kim Cương vẫn khẳng định không ai có thể diễn vai má cô Diệu đạt như NSND Bảy Nam.

NSND Kim Cương từng chia sẻ: "Tôi nói thật là không ai diễn vai bà Tư hay bằng bà Bảy Nam. Thành công của vở diễn chính là tình cảm của hai mẹ con thực sự ngoài đời được mang lên sân khấu".

Một phân cảnh trong vở Lá sầu riêng. Ảnh: CMH.
 

NSND Bảy Nam để lại bài học cho NSND Kim Cương

Với NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam không chỉ là mẹ mà còn là một người thầy, “bạn diễn” ăn ý trên sân khấu. NSND Kim Cương cho biết, ông ngoại của bà là một nhà nho nên rất thành kiến với nghệ sĩ.

Sau khi cha mình qua đời, NSND Bảy Nam mới dám theo nghề hát, nhưng tiếp tục bị người cậu phản đối. Đến khi trốn theo nghệ sĩ Năm Phỉ, bà vẫn bị người cậu này bắt về.

NSND Kim Cương vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của cố NSND Bảy Nam, sân khấu không phải là một nghề mà là đạo, dạy cho con người sống tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ phải có sự hy sinh để làm cho nghề tốt đẹp, đừng làm ô uế nghề mà mình đang theo đuổi, đang nuôi sống mình, đừng làm xấu thế hệ trẻ.

Một trong những bài học lớn mà NSND Kim Cương học được từ mẹ mình là niềm đam mê nghề bất tận. Bà luôn đúng giờ, đi tỉnh thì phải đến sớm hơn mọi người. Những điều đó dần ăn sâu trong máu thịt của NSND Kim Cương. Bà nhắn nhủ người trẻ đây là nghề của tập thể, phải biết tôn trọng mọi người.

Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam mất lúc 12 giờ 50 phút ngày 18.8. 2004, thọ 91 tuổi. Cho đến nay, đã gần 20 năm kể từ khi bà giã biệt trần thế, tuy nhiên danh tiếng, tài năng của bà vẫn được hậu thế nhắc đến như một trong những "bà tổ" của cải lương Việt Nam.

Vừa qua, Hội Sân khấu TP.HCM đã đề xuất các nghệ sĩ nổi bật của sân khấu vào quỹ đặt tên đường. 

Cụ thể, ban chấp hành đã đề xuất các tên của nghệ sĩ, soạn giả gồm NSND Tám Danh (Nguyễn Phương Danh), NSND Phùng Há (Trương Phụng Hảo), NSND Bảy Nam (Lê Thị Nam), nghệ sĩ Năm Phỉ (Lê Thị Phỉ), NSND Út Trà Ôn (Nguyễn Thành Út), NSND - soạn giả Viễn Châu (Huỳnh Trí Bá), soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng (Đặng Ngươu Chúc - Lương Kế Nghiệp) và NSND Lương Đống.

Được biết, tiêu chí lựa chọn là những cái tên thật tiêu biểu, xứng đáng và họ đều đã qua đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn