"Cô gái quê danh giá"
Từng bán 400 tấn cam/ ngày ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), mua cả một nông trường cam của Trung Quốc, xuất khẩu 200 - 300 tấn vải thiều/ngày…, bà Thực vẫn khiêm tốn chỉ nhận mình là một thương lái.
Mấy chữ “cô gái quê” gắn với bà Thực, như trở thành... nickname của bà, là bắt nguồn từ câu chuyện tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - chuyên đề Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp phát triển thương mại cho nông nghiệp Việt Nam” vào tháng 6.2018. Tại đó, bà Thực phát biểu: "Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang". Lời nói thẳng thắn của “cô gái quê” Bắc Giang này đã nhận được những tràng vỗ tay lớn của các đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực từng làm trong ngành ngân hàng, từng vực dậy thành công Công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang đang trên đà phá sản. Lúc đó, năm 2005, công ty trên con đường cổ phần hoá với bộn bề khó khăn, sản xuất đình trệ. Nhưng chính những chặng đường khó khăn này giúp bà có được ý chí và quyết tâm để làm được những điều mình mong muốn, tâm niệm. Công ty Bia rượu nước giải khát Bắc Giang chuyển mình thành công thành Công ty Cổ phần Bagico chuyên buôn bán nông sản Việt đến nay đã được biết tiếng.
Bà Thực hiểu, rằng, người quyết định giá trị thương mại là người sản xuất và với sự phát triển của công nghệ thông tin thì chợ thương mại điện tử vô cùng quan trọng. Do đó, bà tham gia vào Ban chấp hành Hội Nông nghiệp số Việt Nam với mong muốn đưa công nghệ số vào các hoạt động của ngành Nông nghiệp. Từ đó, bà nỗ lực nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, kết nối mạng thương mại toàn cầu, tránh rủi ro về dịch bệnh, dư thừa cung cầu, cải thiện điều kiện canh tác của người sản xuất nông nghiệp…
Thành công lớn nhất của bà trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2018 đến nay, là sự đóng góp vào quá trình hình thành các chính sách của nhà nước cho ngành nông nghiệp, đặc biệt với chuỗi cung ứng nông sản.
Duyên nợ với quan họ
Với sự chỉ đạo và tâm ý của bà Thành Thực, Công ty Cổ phần Bagico luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện mang lại nhiều lợi ích và cảm hứng cho xã hội. Đều đặn hàng năm, công ty tặng quà cho các trung tâm thương bệnh binh, cho người nghèo. Hàng trăm nghìn phần quà từ chăn màn, quần áo đến những sản phẩm tâm huyết của công ty gồm túi sưởi, đệm nước… Hay thiết thực, hữu ích theo kiểu "cho cần câu chứ không tặng con cá” - đó là việc chuyển giao giống, kỹ thuật, tư vấn công nghệ phù hợp cho bà con vùng cao Y Tý, Bát Xát (Lào Cai) để có những hướng chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Tuy nhiên, bà Thực vẫn luôn đau đáu và mong muốn làm được nhiều nhất bên cạnh hoạt động kinh doanh là việc bảo tồn cũng như phát triển các văn hoá phi vật thể của quê hương, đất nước gồm ca trù, hát văn, chèo… và đặc biệt là quan họ. Bà Thực nói rằng, cơ duyên lớn nhất của bà là được sinh ra, lớn lên trên quê hương Việt Yên - cái nôi của dân ca quan họ. Đây là huyện có nhiều làng quan họ nhất ở vùng Kinh Bắc với 19 làng quan họ. Toàn vùng Kinh Bắc hiện có 68 làng quan họ, trong đó Bắc Giang có 23 làng.
Bà Thực nhận thấy, trong dòng xoáy của thương trường, văn hoá truyền thống vẫn là cái gốc, là thứ níu kéo bà trở về cội nguồn. Đó cũng là cái tôi lớn nhất mà bà mang theo mỗi khi đi giao lưu quốc tế. Đặc biệt, với làn sóng văn hoá lai căng du nhập qua internet vào từng gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ, bà Thực quyết định sáng lập và bảo trợ cho chương trình Trại hè Bagico. Hoạt động thường niên của Trại hè Bagico suốt 10 năm qua đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống. Mỗi năm, chi phí cho trại hè khoảng từ 100 - 300 triệu đồng. Bà Thực và công ty vận động các thầy cô giáo, phụ huynh và các nghệ nhân đóng góp công sức - mà theo bà không thể định lượng, đo đếm bằng tiền - để truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ.
Các lớp học hát dân ca quan họ miễn phí đã truyền dạy cho hàng nghìn lượt thiếu nhi, tạo thành phong trào cho cả địa phương. Từ đây, nhiều em học sinh đạt được những thành tích cao tại các cuộc thi hát dân ca toàn quốc hoặc thi đỗ vào các trường nghệ thuật và trở thành giáo viên truyền dạy lại văn hoá truyền thống cho thế hệ sau.