MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Óc Eo - Ba Thê là trung tâm thịnh vượng của Vương quốc Phù Nam

Lục Tùng LDO | 17/11/2023 18:44

Ngày 17.11, tại TP Long Xuyên, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa Óc Eo.

Với chủ đề: “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa Châu Á”, hơn 160 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học từ nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới đã tham dự.

Văn nghệ tại Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa Óc Eo. Ảnh: Lục Tùng

Tại hội thảo, các đại biểu lần đầu được nghe nghe báo cáo tổng kết, đánh giá đầy đủ kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), năm 2017-2020 theo Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào năm 2015.

Dưới sự tham gia của 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam: Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với diện tích trên 16.000m² tại 2 khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê và 8.000m² tại khu di tích Nền Chùa. Qua đó phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng.

Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Những phát hiện quan trọng này đã góp phần minh chứng thuyết phục rằng, Óc Eo - Ba Thê là trung tâm thịnh vượng của Vương quốc Phù Nam, một nhà nước sớm ở Đông Nam Á, có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực và châu Á từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Hiện vật văn hóa Óc Eo thu được trong quá trình khai quật. Ảnh: Lục Tùng

Bởi đây không chỉ là trung tâm dân cư, mà còn là trung tâm đô thị, trung tâm kinh tế, trung tâm tôn giáo của văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này còn cung cấp nhận thức mới sâu rộng hơn về tính chất, chức năng của hai không gian: không gian tôn giáo trên sườn núi Ba Thê - một trung tâm tôn giáo trong đô thị và không gian đô thị cổ trên cánh đồng Óc Eo – trung tâm đô thị của Vương quốc Phù Nam. Đồng thời làm rõ chức năng của không gian đô thị Óc Eo, làm rõ khái niệm “đô thị” và “cảng thị”, khẳng định Óc Eo có vai trò là một “đô thị” hay là “thành phố ven biển” và làm rõ vai trò đô thị Óc Eo trong hệ thống thương mại quốc tế…

Di tích quốc gia đặc biệt - Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê. Ảnh: Lục Tùng

Những kết quả nghiên cứu, khảo cổ học của Đề án đã góp phần minh chứng và làm sáng rõ hơn vị trí, vai trò và các giá trị cơ bản của khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa trong lịch sử văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Đặc biệt là cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng, thiết thực trong việc nghiên cứu xây dựng nội dung Hồ sơ khoa học đề cử UNESCO xem xét công nhận Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê là di sản văn hóa thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn