MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương. Ảnh: Cục NTBD

Ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Bích Hà LDO | 29/05/2017 16:13
Ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi giữ chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) sau những ồn ào liên quan việc cấp phép 5 ca khúc nhạc xưa và cập nhật danh sách phổ biến rộng rãi 300 ca khúc nhạc cách mạng, gây bức xúc trong dư luận.

Theo một nguồn tin riêng của Lao Động, ông Nguyễn Đăng Chương sẽ đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục NTBD đến hết tuần, từ tuần tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên sẽ kiêm nhiệm chức vụ này.

Thời gian qua, trên cương vị quản lý, ông Nguyễn Đăng Chương đã để xảy ra nhiều sự việc liên quan đến việc cấp phép ca khúc, khiến dư luận bức xúc.

Mở đầu là việc ra văn bản “cấm nhầm” với 5 ca khúc nhạc xưa, trong đó có bài “Con đường xưa em đi”. Lý do thu hồi giấy phép lưu hành 5 ca khúc này được Cục NTBD đưa ra là vì ca khúc bị sửa lời, sai tên tác giả, vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Lao Động đã có loạt bài chỉ ra sai phạm của Cục NTBD, rằng Cục đã lạm quyền khi ra văn bản dừng lưu hành các ca khúc này, Cục không có thẩm quyền xử lý trong vấn đề vi phạm bản quyền tác giả. Ngày 14.4, Cục NTBD đã phải thu hồi lại văn bản dừng lưu hành 5 ca khúc và thừa nhận sai. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng và ông Đào Đăng Hoàn - Cục phó Cục NTBD đã thừa nhận lỗi và xin rút kinh nghiệm sâu sắc.

Sau sự việc này, đến đầu tháng 5.2017, câu chuyện cấp phép ca khúc của Cục NTBD tiếp tục khiến dư luận bức xúc. Cục đã cập nhật hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến”, gây ra làn sóng phản ứng.

Việc Cục NTBD cập nhật ca khúc "Tiến quân ca" vào danh mục ca khúc được phổ biến rộng rãi đã gây bức xúc trong dư luận. Ảnh: T.L 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố phổ biến những bài hát này của Cục NTBD là việc làm không cần thiết, vì đó hầu hết là những bài hát đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Thậm chí bài "Tiến quân ca" đã được Quốc hội lựa chọn là quốc ca nước ta từ năm 1946 đến nay.

Ngày 22.5, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTTDL nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ VHTTDL, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26.4.2017, trên tinh thần: Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Liên quan đến việc này, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn yêu cầu Cục NTBD nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật, thường xuyên báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Sau đó, ông Nguyễn Đăng Chương đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận việc rà soát, cập nhật danh mục các bài hát đã được phổ biến rộng rãi trên website đã gây ra sự hiểu lầm trong dư luận là Cục NTBD cấp phép các bài hát cách mạng.

Ông nói: “Với cương vị Cục trưởng Cục NTBD, thay mặt tập thể lãnh đạo Cục, cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ VHTTDL và xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc của chúng tôi đã gây nên sự hiểu lầm và bức xúc trong dư luận”.

Sau những lùm xùm này, ông Chương sẽ thôi giữ chức Cục trưởng Cục NTBD từ tuần tới và chuyển công tác sang lĩnh vực khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn