MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS Trần Lâm Biền.

PGS Trần Lâm Biền: Ai nói bỏ Tết cổ truyền là không bình thường

Đào Bích LDO | 07/02/2018 07:39
“Nếu còn băn khoăn về việc ăn tết cổ truyền, bạn hãy ra các nhà ga, bến xe để xem người ta háo hức thế nào với Tết Nguyên đán”, PGS Trần Lâm Biền cho biết.

Tết hiện đại, tết cổ truyền, nên củng cố hay lược bớt các hủ tục của tết? Đây là những câu hỏi mà không ít người hiện nay đặt ra khi nghĩ về tết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, nếu còn băn khoăn về tết hãy ra các nhà ga, bến xe, sẽ có câu trả lời ở đó.

Ông nói: “Tôi không hiểu tại sao một cái tết như thế, nhà nhà chờ đón, người người náo nức mà sao một số bộ phận công chúng lại phải cứ băn khoăn. Ai đó bảo bỏ tết đi, tôi cho là thần kinh không bình thường. Dĩ nhiên, xu hướng phát triển của xã hội tất yếu là loại trừ cái gì không còn phù hợp. Nhưng tết vẫn là tết. Bất cứ ai, làm ngành nghề gì, giàu hay nghèo, nếu ngày tết không được trở về nhà để đoàn tụ, sum vầy thì coi như một năm đó với họ mất đi rất nhiều ý nghĩa. Với tết, mỗi con người đều có một niềm háo hức riêng, bất kể già hay trẻ".

Tết quê. Ảnh minh họa, nguồn Mytour

"Những ai vỗ ngực cho rằng bỏ tết truyền thống là tiến bộ thì sự tiến bộ ấy hãy đi ra chỗ khác và hãy tiến bộ một mình đi. Đừng bắt người khác tiến bộ cùng. Tất nhiên, cùng với sự phát triển, người Việt sẽ dần dần lược bỏ đi một số hủ tục. Nhưng không phải là bây giờ, khi nhận thức về tết vẫn chưa thực sự chín muồi mà nói bỏ tết âm lịch thì nguy cơ bị ném đá và tẩy chạy rất cao", PGS Lầm Biền chia sẻ thêm.

Theo ông, nhiều người hay so sánh Việt Nam và Nhật Bản ở góc độ, họ đã bỏ tết truyền thống từ lâu để ăn tết dương lịch. Sự so sánh đó là khập khiễng. Vì vào thời kỳ Nhật Hoàng, nền kinh tế của nước Nhật phát triển quá mạnh. Còn chúng ta chưa đạt được đến điều đó.

"Ăn tết hay về tết là tinh thần tự nguyện của mỗi người", ông cho biết. "Nhiều người dân Việt Nam giờ đây lựa chọn những ngày tết để đi du lịch. Đó cũng là một cách ứng xử với tết âm lịch nhưng đó không phải là số đông. Người Việt chủ yếu vẫn là hướng về nguồn, về quê để sum vầy vào dịp tết. Cái gì thuộc về số đông thì chớ dại đụng vào, còn ai đó bảo bỏ tết hay phủ nhận thì đó là “thừa lưỡi”.

Hàng năm, cứ đến ngày 23 âm lịch là người ta nghĩ đến ông Công ông Táo. Ngày 30, người ta vẫn chờ đợi giao thừa. Không ai bảo ai mà suy nghĩ đó tự bản thân mỗi người tự nguyện từ trong chính tâm thức. Thế thì làm sao bắt họ bỏ được.

Giới trẻ hào hứng với tết dương lịch và những ngày lễ khác, liệu điều đó có khiến họ hờ hững với tết âm lịch? Về điều này, PGS Trần Lâm Biền cho rằng không đáng để lo ngại. Xã hội nào cũng có những bước đi của lịch sử. Nếu các thế hệ sau có cái nhìn về tết khác đi thì đó cũng là quy luật, có chấp nhận hay không không quan trọng. Xu hướng xã hội thế nào thì tuân thủ theo như thế. Điều này cũng không phải vì chạy theo quần chúng mà đó là kết quả của sự phát triển về kinh tế kéo theo nhận thức xã hội sẽ thay đổi.

Bất cứ việc gì nếu giải quyết bằng hình thức áp đặt thì không thể thay đổi được và luôn phải đứng ngoài lề xã hội. Ai đó có quan điểm hay hành xử sai với bản sắc thì phải chấn chỉnh.

Ăn tết sẽ thay đổi nếu nhận thức thay đổi. Thông thường, tết dương lịch tương ứng với sự phát triển của kinh tế công nghiệp. tết âm lịch dựa vào nông nghiệp. Nếu nông nghiệp chỉ chiếm 20% so với toàn bộ nền kinh tế đất nước thì thay đổi về tết truyền thống là tất yếu. Tuy nhiên, hiện tại lại khác. “Về nông thôn đi cày đi cuốc mà bảo người ta ăn thịt bò uống bơ sữa thì vô lý”, PGS Lâm Biền cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn