MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”. Ảnh: T.L

Phải đưa chất văn hóa Việt vào kịch bản ngoại

VIỆT VĂN LDO | 25/05/2017 06:45
Thực trạng đội ngũ sáng tác biên kịch ở ta hiện nay ra sao? Đâu là đề tài thách thức họ? Làm sao để những kịch bản ngoại được Việt hóa thành công?... Nhiều câu hỏi được phóng viên LĐ đặt ra với nhà biên kịch lão luyện Trịnh Thanh Nhã - nguyên Trưởng phòng Biên kịch Hãng phim truyện VN, từng là thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia...

Có chăng một sự khủng hoảng trong kịch bản phim Việt thưa chị? Hiện đội ngũ biên kịch ở ta có chăng hiện trạng “đông mà không tinh”?

- Tôi nghĩ nói thế là hơi quá, vì thực sự cũng không có khủng hoảng gì. Hiện VTV - đầu mối chính sản xuất phim đã có nguồn phim đến hết năm 2018. Vì phim đã quá nhiều nên các nhà biên kịch cũng rảnh rang hơn. Hiện nay, có một số kịch bản phim Việt hóa bỗng xuất hiện cùng lúc, thành cả một đợt nên có cảm giác là chúng ta thiếu kịch bản Việt.

Đội ngũ biên kịch hiện nay khá đông, thường 1 lớp 15 sinh viên cũng có vài ba bạn có đủ khả năng tham gia thị trường kịch bản. Lực lượng biên kịch trưởng thành có tên tuổi như Hà Anh Thu (ở Đà Nẵng) phủ sóng cả Bắc cả Nam, hay nhóm viết của nhà biên kịch Đặng Thu Hà. Trong TPHCM có nhóm “Nắng Sài Gòn”, rồi một số công ty làm cho nhiều kênh truyền hình khác nhau, có hẳn một phòng biên kịch như Cty Đại dương xanh có lực lượng phía Bắc, Nam cùng tham gia. Ngoài Bắc, nữ biên kịch Lê Anh Thúy - giảng viên Khoa truyền hình Trường ĐH Sân khấu điện ảnh VN cũng là 1 cây bút đang “sung”. Rồi những nhóm lẻ tẻ, nhà viết kịch độc lập như Thu Dung bên điện ảnh quân đội cũng viết rất đều tay. Như thế, lực lượng không thiếu, chất lượng không đến nỗi nào.

Vậy tại sao vẫn có tình trạng Việt hóa kịch bản phim nước ngoài?

- Để tìm kiếm sự khác lạ trên màn ảnh, và bản thân các nhà biên kịch cũng coi đây là một đợt tập huấn cho bản thân về năng lực tổ chức truyện cho kịch bản. Những kịch bản được Việt hóa thường rất vững chắc về cốt truyện và các chi tiết cài cắm trong phim. Nhưng tôi cho rằng tình trạng kịch bản Việt hóa cũng sẽ không tồn tại quá lâu và không đậm đặc như hiện nay.

 Có cảm giác là khâu Việt hóa chưa thành công khi một số phim vẫn gây cảm giác câu chuyện ở đâu đâu, chỉ có tên nhân vật và bối cảnh là VN?

- Chất lượng một kịch bản được Việt hóa cũng tùy vào tay nghề của biên kịch. Phim “Người phán xử” truyện rất căng, hấp dẫn, nhưng cảm giác là người Việt đóng phim nước ngoài. Thế giới ngầm trong phim không phải xã hội đen của người Việt, thường phải có bảo kê của một số quan chức sa ngã. Phim “Sống chung với mẹ chồng” nhiều lúc xem không chịu được vì mọi thứ cứ đẩy lên căng thẳng quá mức, mẹ chồng ác mó như thế, con dâu chống đối như thế thì làm sao có đường quay lại với nhau. Thường người Trung Quốc đi tới tận lý (tận cùng sự việc), còn người Việt thường mềm mại trong ứng xử. Người Việt luôn có người rút lửa, chứ không cứ một đường ác là ác như nhân vật trong phim, sau hồi tâm cũng không còn đường về. Thêm nữa, người Việt cũng coi trọng bản lĩnh đàn ông, mà trong “Sống chung với mẹ chồng”, đàn ông chả có tí gì khả năng làm đàn ông. Những cặp vợ chồng sống ở thành phố, gia đình có văn hóa, không thể ứng xử đường chợ như vậy, vì thế phim này khán giả khen chê khác nhau, nhưng ai xét tâm lý truyền thống sẽ thấy quá lố.

Theo chị, đâu là yếu tố chính để một kịch bản Việt hóa thành công?

- Đừng quá phụ thuộc vào kịch bản gốc. Có nhà sản xuất Mỹ từng mua một kịch bản ăn khách của Hàn để Mỹ hóa, làm thành một phiên bản mới và thất bại. Một minh chứng thú vị là tiểu thuyết “Kiêu hãnh và định kiến”, được cả Anh và Ấn Độ đưa lên phim đều hay, vì họ thấu cảm chất văn hóa cơ bản. Trong đó, “Kiêu hãnh và định kiến” được Ấn Độ hóa hoàn toàn, từ cảnh hát hò, nhảy múa, cư xử văn hóa đúng là Ấn Độ. Vì thế quan trọng nhất là phải đưa cái văn hóa của mình vào các kịch bản Việt hóa.

Vì mục tiêu của khán giả khi xem phim là tìm thấy họ và một phần họ trong phim, hoặc là cho thấy một phần con đường thoát cho chính người xem khi họ lâm vào cảnh khó. Chứ nếu chỉ xem phim cho vui rồi thôi, thì chả có gì nói.

Mảng đề tài nào là khó nhất với các nhà biên kịch, chống tham nhũng chăng?

- Chống tham nhũng viết khó không chỉ với người trẻ. Khó không nằm ở kỹ thuật, mà ở ranh giới được phép làm đến đâu. Phải tỉnh táo am hiểu thời thế, hiện thực và chủ trương chống tham nhũng, để không vượt qua ranh giới lằn ranh cấm mà nước nào cũng có.

Một đề tài khó là tâm lý xã hội, làm sao cho hay. Người có tuổi như mình viết chậm rãi, lâu. Các bạn trẻ quen tốc độ sống nhanh, chạy theo sự kiện, không thấu hiểu, phân tích tâm lý nhân vật. Thiếu độ tinh tế của tâm lý, kém so với các phim Hàn Quốc; nhiều chuyện không hay như Việt Nam, nhưng tâm lý họ khai thác rất sâu. Cách diễn của một số diễn viên phía Nam đem tấu hài, gào thét thay cho kịch tính là không ổn, dù biên kịch phân tích tâm lý sâu, người diễn không tải được, thì cũng thiếu đồng bộ.

Một số phim gần đây dùng nhạc quá to, đạo diễn ngụy biện là diễn viên diễn không tới, tình huống kịch bản không đủ, phải dùng nhạc để tăng kịch tính. Có phim cảnh quay không đạt, nhưng họ không làm lại vì họ tin âm nhạc và tiếng động bù lại, một giải pháp tình thế bị sử dụng nhiều quá thành dở.

 Phim truyền hình thường lẩn vào các đề tài gia đình? Nhưng có người nhận xét là có phim xem như hoạt cảnh hay chuyện trong nhà ngoài phố?

- Đúng là có những phim xem chỉ là những mảnh vụn lắp ghép vụng về thay cho câu chuyện. Một số phim hình sự có vẻ gay cấn, nhưng không cô đọng. Đúng ra 1 tập phim phải giải quyết 1 tình huống, và cuối mỗi tập thì nảy ra 1 tình huống mới, đằng này đạo diễn lại lẫn lộn kiểu làm phim sitcom, chuyện bị câu kéo dài ra cứ nhão ra. Sở dĩ các phim truyền hình hay khai thác đề tài gia đình vì một mặt nhà sản xuất né tránh những vấn đề mà họ không chắc chắn, mặt khác các nhà biên kịch ai cũng có gia đình, và từ cái vũng của họ, từ gia đình mình, nhiều khi họ quy ra cả thế giới, và với các nhà biên kịch thiếu tài, thiếu bản lĩnh thì điều đó thật tệ hại...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn