MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát dự án Cảng hàng không Vân Đồn. Ảnh: CTV

Xây dựng Khu hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn: Chuyển động lớn cho cả khu vực

Trần Ngọc Duy LDO | 10/05/2017 10:00

Bộ Chính trị, ngày 17.3, đã có kết luận: Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn của Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trực thuộc cấp tỉnh. Đây sẽ là tiền để để Quang Ninh khai thác tốt nhất các tiềm năng trong khu vực bởi những lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn vào đầu tư, công nghệ cao; áp dụng phương thức quản lý tiến tiến; thúc đẩy  tăng trưởng, tạo thêm nguồn lực và động lực  phát triển kinh tế cho vùng đất Quảng Ninh, vốn nhiều lợi thế nhất phía bắc...

Một quyết định bứt phá

Sự đồng thuận, cho phép của Bộ Chính trị về việc thành lập ba đặc khu kinh tế trong đó có Vân Đồn là sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm cao của Quảng Ninh. Theo lãnh đạo tỉnh, đề án được khởi động bắt đầu từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đối với đề án.

Quảng Ninh cũng tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước và tham vấn các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế. Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình khu hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi. Vào lúc này, dự thảo đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt đã cơ bản hoàn thiện và đang được các tổ chức độc lập, uy tín trong nước và nước ngoài thẩm định, phản biện...

Với quyết tâm lớn, Quảng Ninh xác định rõ: Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Với ý tưởng này, trong tương lai không xa, Vân Đồn sẽ sớm trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế nằm trong hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Định hướng phát triển Khu hành chính – kinh tế đặc biệt này là thân thiện với môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút   các nguồn lực đầu tư, quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến.

Theo dự thảo đề án,  tổ chức bộ máy chính quyền khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được tổ chức một cấp hành chính, gồm: HĐND và UBND khu. Cơ quan quản lý hành chính là UBND khu. Dưới khu có các tiểu khu trên cơ sở sắp xếp lại 12 xã, thị trấn hiện có. Các cơ chế đặc thù như: Khu phi thuế quan, một số hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất giá trị bằng 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, thuế thu nhập cá nhân được miễn đến 2030 và sau năm 2030 được giảm 70% số thuế phải nộp; được thiết lập thể chế tài chính, tiền tệ riêng, đa dạng hoá các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, tự do hoá luồng vốn; cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD; người nước ngoài được mua, bán nhà  ở trong đặc khu kinh tế Vân Đồn...

Kết nối cả đường không và đường bộ

Quảng Ninh xác định, muốn đột phá phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn không chỉ dựa hoàn toàn vào thể chế, mà phải tập trung tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vùng và các nước trong khu vực. Trong 3 năm qua, hàng tỉ USD đã được tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư bỏ ra cho việc xây dựng hạ tầng giao thông. Tuyến đường cao tốc nối Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đang ở giai đoạn nước rút và dự kiến hoàn thành trong quý 1/2018, sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển bằng ô tô từ Hạ Long đi Hà Nội hiện nay từ 3,5 giờ  xuống còn chưa đầy 2 giờ. Đồng thời, một tuyến đường cao tốc xuyên tâm từ Hạ Long đi Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn cũng sẽ thông tuyến vào cuối năm 2017.

Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh đã chủ động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp  đầu tư gần 14.000 tỉ đồng để xây dựng tiếp tuyến đường cao tốc huyết mạch đi từ Vân Đồn đi thành phố biên giới Móng Cái, với tổng chiều dài gần 100 km, góp phần mở thêm những “cánh cửa” cho sự phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng.

Trở lại với đặc khu kinh tế Vân Đồn, nắm trước thời cơ vận hội phát triển, hàng loạt nhà đầu tư lớn của Việt Nam đã đặt chân lên vùng đất này. Tại vùng lõi đặc khu kinh tế Vân Đồn, một cảng hàng không quy mô hiện đại, đáp ứng vận chuyển hành khách quốc nội và quốc tế đang dần hình thành. Theo kế hoạch, Cảng hàng không Quảng Ninh, do Tập đoàn Sungroup đầu tư, sẽ  hoàn tất các hạng mục vào cuối năm 2017,  để có thể đón nhưng chuyến bay thương mại đầu tiên. Đây là cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại Việt Nam được giao cho doanh nghiệp tư nhân trong nước bỏ vốn, vận hành, quản lý, với tổng mức đầu tư trên 7.500 tỉ đồng. Cùng với đó, Sungroup cũng đang là nhà đầu tư được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho phép triển khai khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế,  khu dịch vụ phức hợp cao cấp có casio. Bên cạnh những dự án nghìn tỉ đổ vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, hiện thực diễn ra  rầm rộ  trên các công trình xây dựng ở Vân Đồn... Trong  nay mai, 14 dự án BĐS, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quy mô hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ được khởi công xây dựng ở đất liền và các đảo phụ cận của huyện Vân Đồn.

"Quyết tâm lớn của Quảng Ninh không chỉ ở việc xây dựng đề án để được phê duyệt, mà trong suốt 5 năm qua, địa phương đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, làm các công trình động lực, như sân bay, khu dịch vụ phức hợp cao cấp có casio, khu nghỉ dưỡng. Đầu tư trên 40.000 tỉ đồng vào các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông quan trọng kết nối đến Vân Đồn. Điều đó càng củng cố sự tin tưởng những luận cứ mà Quảng Ninh đưa ra để tạo những cơ chế đặc thù, đặc biệt của đặc biệt cho Vân Đồn rất khoa học, thực tiễn và thành công" - Phó Thủ tướng Trường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình- đánh giá về Quảng Ninh trong cuộc làm việc mới đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn