MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà báo Phan Quang (ảnh: NB&CL)

Phan Quang - nỗi thao thức sáng tạo đến vô cùng

TRƯƠNG ĐỨC MINH TỨ LDO | 20/02/2018 08:08
Là thế hệ làm báo đi sau, tôi có vinh dự lớn là mỗi khi có sách mới xuất bản, nhà báo Phan Quang đều gửi tặng, với lời đề từ rất tình cảm: “Thân tặng đồng nghiệp, đồng hương”. Tiếp xúc với ông, nhiều người đều có cảm nhận là nhà báo kỳ cựu nhưng ông có phong cách rất gần gũi, thân thiết với mọi người. 

Hai tập sách: “Thương nhớ vẫn còn” tập I mang tên “Lấp lánh trời sao” và tập II mang tên “Cánh gió chưa rời” - Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành năm 2017 khi nhà báo Phan Quang bước sang tuổi 90 thể hiện một bút lực dồi dào hiếm thấy.

Đọc tác phẩm của nhà báo Phan Quang, chúng ta học hỏi được nhiều điều về nghề báo, nghề văn, kể cả nhân cách người cầm bút; biết thêm nhiều gương mặt chính khách cũng như những cây bút tinh hoa từ trong nước đến thế giới mà ông đặc tả. Bạn đọc biết đến nhà báo Phan Quang không chỉ là một nhà báo lịch lãm mà còn là một nhà văn và một dịch giả tài năng.

Tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày, từ thời ông làm các báo: Cứu Quốc, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam đến khi ông đảm đương công việc Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội. Trong tác phẩm của mình, nhà báo Phan Quang không dừng lại ở việc ghi chép đơn thuần những mốc chính trong cuộc đời của nhân vật mà đi xa hơn, có cách nhìn sắc sảo, thấu đáo về sự nghiệp, tâm lý tình cảm của nhân vật.

Là người có 70 năm làm báo và lãnh đạo báo chí, nhà báo Phan Quang có điều kiện đi đây đi đó, tiếp xúc với nhiều nhân vật quan trọng. Với phong cách làm việc rất trách nhiệm, ghi chép nhật ký tỉ mỉ, cùng với sự dấn thân vào đời sống xã hội từ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những năm hòa bình, thống nhất đất nước, nhà báo Phan Quang đã tích lũy được một vốn sống phong phú, đa dạng, từ đó ông viết nên những tác phẩm báo chí, văn học sống động.

Đó là những bút ký chân dung về các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Tùng, Xuân Thủy, Phan Đăng Lưu, hay những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Lương An, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Sơn Nam; các nhà báo: Thép Mới, Ngô Đức Mậu, Trần Công Mân; nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà khoa học Lương Định Của...

Bút ký của ông không dừng lại ở các sự kiện, cách ứng ứng xử của nhân vật mà còn đan lồng “cái tôi” của tác giả bởi những suy tư, bình luận đúng lúc, đúng nơi. Phan Quang còn là một cây bút có đóng góp rất đáng kể trong việc đưa văn hóa, văn học, báo chí… của các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam qua dịch thuật, phác chân dung.

Những nhà văn, nhà báo nổi tiếng thế giới như nhà thơ Chi Lê Paoblo Neruda; nữ thi sĩ Nga Olga Bergholtz; nhà báo Pháp Madeleine Riffaud; nhà văn Mỹ gốc Phi Richard Uright, hay là Gabried Marguez- ngôi sao sáng của văn học hiện thực huyền ảo… qua sự hiểu biết uyên thâm và trầm tĩnh của Phan Quang đã truyền cho người đọc những nguồn tri thức, cảm hứng mới mẻ, tiến bộ, văn minh.

Tác phẩm nổi tiếng của nhà báo Phan Quang.

Có thể rút ra được nhiều điều bổ ích khác từ các nhân vật trong các tập sách của nhà báo Phan Quang. Tác phẩm của ông mang chứa kiến văn sâu rộng của một nhà dịch thuật, tính cẩn trọng, chuẩn mực của một nhà báo, sự thăng hoa của một nhà văn, do vậy dù đọc tác phẩm báo chí, sáng tác văn học hay tác phẩm dịch thuật của ông, bạn đọc không chỉ tìm thấy ở đó những kiến thức, thông tin về các lĩnh vực mà còn có những xúc cảm nội tâm, nâng tâm hồn người đọc lên một cung bậc mới.

Tính thẩm mỹ trong tác phẩm của nhà báo Phan Quang là ở chỗ đó. Trong tác phẩm của ông, chất văn - báo bất phân, tuy nhiên, tác giả không lạm dụng quá liều lượng văn trong báo, chỉ sử dụng đủ để cuốn hút người đọc từ sự kiện này đến sự kiện khác. Phan Quang là nhà báo có phong cách riêng khó lẫn những nhà báo cùng thời.

Trong nền báo chí, văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, bạn đọc biết đến Phan Quang không chỉ là một nhà quản lý báo chí lịch lãm mà hơn thế ông là cây bút nổi tiếng với số lượng đầu sách đáng kính nể. Phan Quang viết báo từ năm 20 tuổi (1948), đến nay ở độ tuổi 90, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức.

Nếu tính từ tập truyện ngắn “Không khai” - NXB Minh Đức xuất bản năm 1954 đến tập sách “Thương nhớ vẫn còn” xuất bản vào năm 2017 thì trong suốt hơn 70 cầm bút ông đã dâng hiến cho đời 7 tập truyện ngắn, truyện vừa; 9 tập ký; 1 tuyển tập (3 tập); 6 tập tiểu luận, chân dung văn học và báo chí; 6 tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài.

Đó là chưa kể ông có nhiều sáng tác văn học, tác phẩm dịch in chung với các tác giả khác cùng hàng ngàn bài báo in đều đặn trên các báo, tạp chí của cả nước. Trên các báo và tạp chí, tác phẩm của ông vẫn xuất hiện đều đặn, như thể đời ông, trang viết là nỗi thao thức sáng tạo đến vô cùng.

Ở lĩnh vực sáng tác văn học, báo chí, phê bình văn học hay dịch thuật, lĩnh vực nào ông cũng thể hiện vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng và tấm lòng của một cây bút không ngừng nghỉ sáng tạo, gắn bó với cuộc sống, cống hiến cho độc giả những cách nhìn sắc sảo về con người cũng như thời cuộc. Có thể nói nhà báo Phan Quang đã sống hết mình với nhân vật của mình mới có thể viết nên những chân dung về những người bạn văn, người cùng thời với kiến văn sâu sắc đến thế.

Mấy năm trở lại đây, thi thoảng tôi vẫn được gặp nhà báo Phan Quang ở các hội nghị, hội thảo văn chương, báo chí. Ông còn dành thời gian trở về thăm vùng cát trắng Hải Lăng, nơi ngày xưa là “Con đường không vui” của quân đội Pháp, nơi “Tiếng cây dương Mỹ Thủy” vẫn còn khắc ghi về vụ thảm sát tàn bạo của đội quân thực dân với hơn 500 người dân vô tội để mà dự cảm tương lai; bây giờ nơi đây đã trở thành vùng lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Ông trở về với quê hương Hải Thượng để tặng sách cho con em ở quê nhà và mới đây ông lại về với Thành Cổ ngàn lau, nơi ông đã sống những năm tháng tuổi thơ để chiêm nghiệm về lẽ được mất ở đời. Nơi đây cũng là hình ảnh khởi đầu cho bộ phim tư liệu về ông do Đài Truyền hình Đồng Nai thực hiện. Từng là chính khách, nhà báo, nhà văn, dù đã đi khắp thế gian nhưng quê hương luôn là nơi chốn đi về của nhà báo Phan Quang, kể cả khi tuổi đã ngã bóng về chiều…

Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928, tại Quảng Trị; viết báo từ năm 1948. Đã làm tại các báo: Cứu Quốc, Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Người làm báo… Từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn T.Ư; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói VN; Chủ tịch Hội Nhà báo VN; Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQVN; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị VN… Hiện sống ở Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn