MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát hiện thú vị về “Truyện Kiều ở Nam bộ”

Lục Tùng LDO | 03/12/2021 16:11

“Truyện Kiều ở Nam Bộ” - mang đến cho người đọc nhiều điều thú vị về sự tương tác của tác phẩm văn chương bác học trên vùng đất mới  của Tổ quốc.

Truyện Kiều ở Nam Bộ” là công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Thanh Phong, giảng viên Khoa Sư phạm, Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP. HCM)  được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM xuất bản vào đầu tháng 10.2021. 

Tác phẩm “Truyện Kiều ở Nam Bộ” của TS Nguyễn Thanh Phong. Ảnh: LT

Sách dày  gần 400 trang khổ 15,5 x 23cm, có 4 chương chính, gồm: Chương 1: Truyền bá, tiếp nhận, cải biên và ảnh hưởng trong văn học; Chương 2: Truyện Kiều trong trào lưu truyền bá văn học đến Nam Bộ; Chương 3: Truyền bá và tiếp nhận Truyện Kiều ở Nam Bộ; Chương 4: Cải biên, tái hiện Truyện Kiều ở Nam Bộ.  Ngoài ra, tác giả còn có 9 phụ lục với nhiều hình ảnh, minh họa sinh động...

Theo trình bày của tác giả, tác phẩm được hoàn thành sau 10 năm thai nghén, tính luôn cả hành trình nhiều năm đích thân điền dã, thu thập từ kho tư liệu Hán Nôm và quốc ngữ liên quan đến Truyện Kiều tại nhiều tư gia, cơ sở thờ tự... ở các địa phương Nam Bộ, như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP. HCM...

Những bản Truyện Kiều tiêu biểu bằng Hán Nôm được TS Nguyễn THanh Phong tìm thấy tại nhiều tư gia, cơ sở thờ tự ở nhiều địa phương Nam Bộ. Ảnh: LT

Điều này không chỉ giúp cho tác giả đưa đến bạn đọc cái nhìn mới lạ về đời sống Truyện Kiều trên vùng đất mới của Tổ quốc, mà còn gợi mở cho các nhà nghiên cứu, người yêu thích kiệt tác tưởng chừng như đã được “đóng khung” về khía cạnh nghiên cứu.

Thật vậy, hơn nửa thế kỷ nay, các công trình  nghiên cứu về Truyện Kiều không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú cả về nội dung lẫn hình thức. Thậm chí gần đây, nhiều nhà nghiên cứu còn tiếp cận danh tác này theo hướng thi pháp học và cho ra nhiều sản phẩm gây chú ý...

Tuy nhiên, khi đọc “Truyện Kiều ở Nam Bộ”, hẳn mọi người sẽ bất ngờ khi lần đầu tiên biết về đời sống mới từ đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du ở Nam Bộ - vùng đất được xem là chỉ thích và yêu chuộng văn chương bình dân... Phát huy sở trường về vốn học Hán Nôm, TS Phong đã thu thập nhiều tư liệu Truyện Kiều trong dân gian để chứng minh sự thật rất bất ngờ: Người Nam Bộ yêu Truyện Kiều rất độc đáo.

Một số bản cải lương liên quan đến Truyện Kiều ở Nam Bộ. Ảnh: LT

Không chỉ yêu đến mức nhiều lần gửi sang Phật Trấn (Quảng Đông, Trung Quốc) khắc bản Nôm, mà ngay những năm đầu phát triển chữ quốc ngữ đã in Truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ ngay trên đất Sài Gòn. Hơn thế nữa, tình yêu của người Nam Bộ dành cho Truyện Kiều cao đến mức muốn đồng hóa nhân vật trong tác phẩm thành người của vùng đất mình đang sinh sống.

Từ ý thức muốn thưởng thức Truyện Kiều theo phong cách riêng của mình, những người Nam Bộ đã sáng tạo ra những phó phẩm. Tức vừa viết lại câu theo lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ, vừa cải biên theo thể loại văn hóa, văn nghệ... mà người dân nơi đây yêu thích.

Trong “Truyện Kiều ở Nam Bộ”, TS Phong đã chứng minh và phân tích sâu sắc: Truyện Kiều đã được cải biên sang tuồng hát bội, cải lương, trên tác phẩm hội họa... Một nhà nghiên cứu đã từng đọc “Truyện Kiều ở Nam Bộ” từ lúc bản thảo đã nhận xét: “Đây là tác phẩm đặc biệt. Đặc biệt không chỉ về tư liệu, mà còn đặc biệt ở chỗ mở đầu cho một hướng nghiên cứu mới về Truyện Kiều”.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn