MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sơn Tây lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn là du lịch văn hóa và ẩm thực.

Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Quỳnh Anh LDO | 24/09/2023 09:30

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Đồng thời, Thành phố cũng đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy, nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Tập trung vào thế mạnh của mỗi địa phương

Xác định phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm cụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Thành phố, cho nên tất cả các quận, huyện, thị xã và nhiều sở, ngành xây dựng Chương trình hành động, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", với những tiêu chí, đầu việc cụ thể.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên cơ sở phân tích đặc điểm kinh tế-xã hội của quận, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Hoàn Kiếm đã lựa chọn những lĩnh vực chính để đầu tư phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 gồm: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ và ẩm thực; quận quan tâm đến những lĩnh vực nhiều tiềm năng như: Quảng cáo, thời trang, thiết kế, mỹ thuật. Thực hiện định hướng trở thành “quận nghệ thuật”, quận đầu tư vào tu bổ di tích; cải tạo nâng cấp những không gian văn hóa; phát triển phố ẩm thực...; xa hơn nữa là phát triển một số không gian đi bộ tại phố Tràng Tiền-Nhà hát Lớn, xây dựng bãi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng. Quận cũng xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư.

Thị xã Sơn Tây lựa chọn lĩnh vực mũi nhọn là du lịch văn hóa và ẩm thực; từng bước phát triển các ngành: Biểu diễn nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, thủ công mỹ nghệ... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Ðại Thăng cho biết, từ việc xác định rõ định hướng phát triển, thị xã triển khai các nhiệm vụ cụ thể bằng đầu tư bảo tồn, quảng bá các di tích như: Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Ðường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây..., phát huy các lễ hội lớn; xây dựng thương hiệu và đổi mới các sản phẩm ẩm thực làng quê của Sơn Tây; từ đó, tạo ra các sản phẩm hấp dẫn.

Còn với huyện Đan Phượng, Bí thư Huyện ủy Trần Ðức Hải cho biết, Ðan Phượng không có thế mạnh về cảnh quan, hay làng nghề, cũng chưa phải là điểm đến của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Mỹ thuật, thiết kế, điện ảnh... Song, huyện nhận thức đây là nhiệm vụ mà không một đơn vị nào được phép đứng ngoài. Huyện đã bàn bạc, lấy ý kiến các bên kỹ càng và sẽ tập trung phát triển du lịch văn hóa. Muốn phát triển du lịch văn hóa phải xây dựng điểm đến hấp dẫn, cùng với môi trường thân thiện. Vì thế, huyện gắn phát triển du lịch văn hóa với xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn mới, tạo thiện cảm cho mọi người khi đến với mảnh đất Ðan Phượng…

Ứng dụng công nghệ trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa

Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động bảo tồn, quảng bá di sản, đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật, tăng thêm tiện ích cho công tác phục vụ... đang được các đơn vị quản lý rốt ráo thực hiện. Đặc biệt, trong công tác số hóa di sản vật thể, phi vật thể trên địa bàn Thủ đô được một số di tích thực hiện tốt như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Di tích nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội...

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, hệ thống 82 bia tiến sĩ, các tư liệu lịch sử, những thông tin liên quan đến di tích đều được số hóa 3D, giúp quản lý, tra cứu dữ liệu được dễ dàng, phục vụ có hiệu quả công tác bảo tồn một cách khoa học, toàn diện. Tiếp đó, Trung tâm xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện... Khách tham quan chỉ cần tải ứng dụng là có thể tương tác, tham quan về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngay trên điện thoại thông minh với không gian 3 chiều, xem các nội dung đa phương tiện, giao tiếp với trợ lý “ảo” thông qua công nghệ AI, định vị GIS.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tích cực ứng dụng công nghệ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Việc tiếp cận ứng dụng công nghệ nhằm phát huy giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được đẩy mạnh nhiều năm gần đây. Ngoài ứng dụng công nghệ trong trưng bày, triển lãm thì ứng dụng công nghệ còn được thực hiện trong tái hiện công trình kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long và tiêu biểu nhất là điện Kính Thiên. Không gian Chính điện Kính Thiên tái hiện trên phối cảnh 3D mới được công bố mang lại hình dung gần nhất về Chính điện thời Lê và củng cố cơ sở cho việc phục dựng di tích này. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tích cực ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone, màn hình tương tác diễn giải lịch sử...

Bên cạnh đó, nhiều di tích trên địa bàn Thành phố cũng tạo App ứng dụng dành cho điện thoại thông minh bằng nhiều ngôn ngữ phục vụ quảng bá, xúc tiến hình ảnh và sản phẩm, xây dựng hệ thống bán vé điện tử...

Trong giai đoạn tới, Thành phố cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu đãi, thu hút được các nhà đầu tư trong nước, quốc tế xây dựng cơ sở vật chất, công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp vui chơi giải trí và thể thao có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa. Mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn