MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “Lô tô” thu hút người xem đến rạp trong những ngày gần đây mà không cần nhiều chiêu trò. Ảnh: TL

Phim Việt bắt đầu chuộng “món lạ”

MINH THI LDO | 15/04/2017 06:40
Gần đây, “Lô tô” vừa ra rạp đã thu hút người xem và được đánh giá cao ở tính chân thực, diễn xuất thu hút và cách kể chuyện giản dị nhưng biết khai thác nội tâm nhân vật. Với mức đầu tư trên dưới 10 tỉ đồng, đây là bộ phim kinh phí thấp song lại có thể “đánh bạt” những phim khủng trước đây.

Khán giả thích đổi món

Điều mà “Lô tô” làm được chính là phát triển câu chuyện trong phim tài liệu gây ấn tượng “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” bằng một cách tiếp cận khác, khắc họa thân phận trong gánh hát và tạo được cao trào xung đột, giải quyết nó một cách rốt ráo. Cũng nói về những phận người đồng tính, song lối khai thác vừa mức và đưa đẩy nhân vật sống động một cách tự nhiên mang về điểm cộng cho phim, mà không bị đóng khung theo kiểu không đâu vào đâu như “Hotboy nổi loạn 2”.

Một so sánh khác với phim “Dạ cổ hoài lang”, phim chuyển thể từ vở kịch cực kỳ ăn khách cách đây nhiều năm, cũng là phim đổi món đáng xem. Dù có nhiều khen-chê vì hơi “kịch” hóa, song phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng đánh trúng tâm lý khán giả, là đã đến lúc họ cần món ăn mới, thay vì dọn hoài những “món” đấm đá, chân dài, đại gia, dọa ma, hài, đồng tính…

Sở dĩ có sự so sánh như vậy, vì đây là hai phim dường như mở ra một trào lưu mới cho năm nay - làm phim chỉn chu, tử tế, cho dù vẫn có nhiều nhận xét đa chiều về phần nội dung. Thêm nữa, chính người trong cuộc, từng làm các bộ phim ăn khách nhưng nhạt như Nguyễn Quang Dũng, cũng đã tự thay đổi để làm mới mình.

Đạo diễn, biên kịch Huỳnh Tuấn Anh - người từng làm phim “Cổng mặt trời”, “Đời cho ta bao lần đôi mươi”, và giờ đây là “Lô tô” - cho biết: “Đến lúc này tôi rất vui, vì lần đầu tiên tôi làm được điều này: Diễn viên chính không phải ông vua, nữ hoàng phòng vé, không phải chân dài, mà là một diễn viên luống tuổi - NSƯT Hữu Châu. Điều này chứng minh: Mọi người đang hiểu sai về yếu tố ăn khách; ăn khách không phải là hài, thậm chí thể loại nào cũng được, miễn làm cho hay. “Lô tô” chứng minh đã đến lúc khán giả chịu lắng nghe câu chuyện nhiều hơn là những yếu tố râu ria bên ngoài. Yếu tố ăn khách và thương mại không nằm ở trong thể loại, mà nằm ở câu chuyện chất lượng hay không và ra đúng thời điểm. Nếu “Lô tô” ra năm 2016 thì có lẽ chết sớm, vì đó là thời điểm của phim hài, ma, ngôn tình. Tôi chỉ là đạo diễn của dòng phim thương mại, và tìm ra được công thức: Khán giả thích câu chuyện gì, đâu là thời điểm thích hợp. Lâu nay, khán giả cũng chán ngán vì phim thị trường cứ 10 phim thì đến 9 phim khá giống nhau, ăn hoài một món cũng chán. Khi mình dọn món khác, thì họ thích xem. Tôi chọn cách kể “Lô tô” thuần túy Việt Nam, câu chuyện diễn ra từ đâu, xảy ra cái gì, chứ không lắt léo, trục trặc, đánh đố”.

Công thức cũ đã bị “ế”

Trên mặt bằng chung, trong 1-2 năm nay, nhiều phim đầu tư kinh phí khủng, diễn viên là những tên tuổi quen thuộc, hay “bảo chứng” của phòng vé, song vẫn bị lỗ cả tỉ đồng. Khi nói về bài toán kinh doanh sản xuất phim, bên cạnh chi phí sản xuất trung bình một phim khoảng 20 tỉ đồng, nhà đầu tư còn phải tiêu tốn thêm hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị phim đến khán giả. Khi phim phát hành, nhà đầu tư còn phải tiếp tục chia sẻ cho hệ thống rạp theo tỉ lệ ăn chia 50/50, có khi 45/55. Điều này giải thích vì sao nhiều phim “bom tấn” lại thành “bom xịt” sau khi phát hành.

Trong danh sách phim nội ra rạp trong năm 2016, các tác phẩm chủ yếu tập trung vào hai thể loại ăn khách đối với người Việt là hài hước và kinh dị. Một số dự án có kinh phí lớn, như “Fan cuồng” hay “Vệ sĩ Sài Gòn”, rốt cuộc đều gây ra tranh cãi về chất lượng. Còn nhiều phim chính kịch, hành động, oái oăm thay, lại gây ra tiếng cười vì sự ngô nghê, và bị người xem coi như “phim hài”. Ngay cả đạo diễn Nhật Ken Ochiai của “Vệ sĩ Sài Gòn” cũng không thoát khỏi rào cản văn hóa để làm phim cho người Việt xem được.

Bên cạnh đó, các diễn viên đầu tư cho vai diễn quá sơ sài. “Ông vua phòng vé” Thái Hòa bị phản ứng trong “Fan cuồng” và không có gì mới trong “Vệ sĩ Sài Gòn”. Hoài Linh cũng không khá hơn trong “Nàng tiên có 5 nhà”.

Không ít phim Việt chứa đựng những tình tiết phi logic, hay ngô nghê: “Găng tay đỏ”, “Nữ đại gia”, “Linh duyên”, “Chạy đi rồi tính” hay “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”…

Lý giải về điều này, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng: “Nhìn chung lại, đó là vì phim Việt thiếu bản sắc. Các nhà sản xuất chạy theo hào nhoáng bên ngoài, trong khi câu chuyện nhạt nhẽo, vô vị. Trong khi đó, “Nắng” có cảm xúc, có bản sắc, là câu chuyện rất Việt Nam, nên là phim hay. Và tôi quyết đi theo mảng này trong vệt phim tiếp theo.”

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn