MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Em chưa 18” lập doanh thu kỷ lục, chứng minh phim Việt remake chưa chắc đã thắng phòng vé như phim thuần Việt.

Phim Việt “remake” và hệ lụy: Được và mất từ phim Việt remake (kỳ 2)

VIỆT VĂN LDO | 04/10/2017 14:00
Sau thành công ngoài mong đợi của “Em là bà nội của anh”, tính đến thời điểm này, xem ra đường dẫn đến thành công của phim Việt remake vẫn còn chông gai và diệu vợi. Không thể ngăn cản khán giả xem phim so sánh bản gốc với phiên bản, và nếu phiên bản không có sự sáng tạo mới mẻ, hay “kể” câu chuyện thú vị hơn thì việc phim bị “out” ở phòng vé cũng là tất nhiên.

Ở một khía cạnh khác, rõ ràng phim remake chỉ là giải pháp tình thế, không thể lấy đó phát triển điện ảnh Việt. Chẳng có nền điện ảnh quốc gia nào mà nhìn tới nhìn lui thấy toàn phim remake, nếu không muốn nói là một sự đi xuống, khiếm khuyết của nền điện ảnh đó.

Quyền lực phòng vé

Cho dù rầm rộ sản xuất hàng loạt phim remake, nhưng vẫn chỉ có “Em là bà nội của anh” là tạo nên “cơn địa chấn” phòng vé khả dĩ để ghi điểm cho phim remake. Cứ nhìn vào phim “Sắc đẹp ngàn cân” (kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm đình đám “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc), ở “mẫu quốc” phim “cháy” rạp, nhưng sang phiên bản Việt, dù có dàn trai xinh gái đẹp toàn hotboy, hotgirl trong showbiz Việt, được chăm chút từng cảnh quay, góc máy, đầu tư trang phục với những style đang thịnh trong giới trẻ, thêm một số ca khúc hit của Vpop…, cộng thêm các chiến dịch PR bài bản, hoành tráng…

Nhưng nó trở thành “phiên bản lỗi”, chỉ hào nhoáng vẻ ngoài, còn nội dung “nhạt”, không chuyển được ý nghĩa cuộc sống so với bản gốc quá lừng danh.

“Yêu đi đừng sợ” làm lại từ phim “Spellbound”, ra rạp tháng 8.2017, cho dù đạo diễn Stephane Gauger đã có một vài xử lý khá sáng tạo về kịch bản, như việc hóa giải lời nguyền ma quái khiến đoạn kết của phiên bản Việt nghiêng về một bộ phim lãng mạn so với chất hài của phiên bản gốc, và dàn diễn viên hạng “sao” như Nhã Phương, Ngô Kiến Huy, Kiều Minh Tuấn, Puka, Ái Phương, Lê Hạ Anh… cũng không vượt qua được bản gốc để mang lại thành công cho nhà sản xuất.

Trước đó, “Bạn gái tôi là sếp” theo bản gốc “ATM: Er Rak Error” ra rạp, với đạo diễn Việt kiều Hàm Trần giàu kinh nghiệm làm phim theo gout Hollywood cùng dàn diễn viên sinh động và đa sắc, nhạc phim phù hợp, tinh tế, đặc biệt là ca khúc “Khi hai ta về một nhà” với phiên bản acoustic dễ thương… Rất nhiều ưu điểm, song có lẽ bối cảnh hơi xa lạ, kiểu cách, không gần gũi lắm với người Việt nên phim cũng khá “lạnh” phòng vé.

Trong khi với phim kịch bản Việt không có “sao”, thần tượng… nhưng “nóng bỏng” phòng chiếu vì tăng suất, phòng vé luôn ở tình trạng “cháy”, doanh thu kỷ lục của kỷ lục phim Việt ở mọi thời đại - 170 tỉ đồng cho phim “Em chưa 18”, như một minh chứng phim Việt remake chưa chắc đã có quyền năng ở phòng vé như với phim thuần Việt.

Được và mất khi làm phim remake?

Dù chưa “thắng” nhiều, nhưng phim remake hiện đang “nóng” và hút các nhà sản xuất. Phim remake được xem như canh bạc mà các nhà làm phim phải chấp nhận và thử thách trong điều kiện Việt Nam chưa có đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, đủ chuẩn để tạo ra những phim “bom tấn” gây chấn động khán giả, mang lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất.

Remake, ở góc nhìn tích cực, là giải pháp tình thế. Khi phim điện ảnh Việt phát triển quá nhanh theo đà tăng rạp chiếu, các nhà sản xuất với tư duy kinh doanh, thấy “nguyên vật liệu” nội bị thiếu hay kém chất, bắt buộc phải “vọng ngoại”, tìm nguồn cung thích hợp. Hơn nữa, thay vì phải trả giá cao cho kịch bản Việt (mà chưa chắc đạt chất lượng), thì mua kịch bản phim nổi tiếng của nước ngoài về làm lại, giá không cao mà chất lượng nội dung cùng “danh tiếng” bản gốc có thể bảo đảm doanh thu…

Ở mặt khác, phim remake cũng mang đến một “không khí” mới cho phim Việt đa sắc, đa diện hơn. Chưa kể đây cũng là một cách để các nhà làm phim Việt, nhất là các nhà biên kịch, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao nghề viết cho mình, biết cách tiếp cận vấn đề để chuyển câu chuyện “ngoại” thành câu chuyện Việt, cũng như là thử thách sáng tạo với các đạo diễn khi áp lực cái bóng thành công của bản gốc đè nặng, buộc phải tạo chiếc “bình mới” để tăng hương vị cho “rượu cũ”.

Dù vậy, cũng phải thừa nhận phim Việt remake là một bước lùi của điện ảnh Việt. Biên kịch phim Việt đã rất yếu kém, nay phim remake lại “kéo” vai trò của nhà biên kịch Việt xuống thấp hơn, trong khi với điện ảnh thế giới thì nhà biên kịch chiếm vai trò đặc biệt quan trọng. Với phim remake, vai trò nhà biên kịch chỉ là người sửa lại kịch bản, Việt hóa phù hợp với khán giả Việt, là thao tác kỹ thuật và ít sự sáng tạo.

Trên thế giới, không có một nền điện ảnh quốc gia nào có thể tồn tại lâu bền bằng hành trình làm lại phim của nước khác, remake phim chỉ như một sự ăn sẵn món ngon thiên hạ, chứng tỏ lười biếng tư duy. Còn đạo diễn làm phim remake, sự dụng công sáng tạo cho phiên bản rất ít, chưa tính đến có đạo diễn còn lười biếng, gần như “bê” nguyên xi bản gốc trong rất nhiều phân cảnh, phân đoạn… nên khi xem phim cảm giác như một bản copy bị lỗi.

Nhiều phim remake, dù đã Việt hóa vẫn mang hồn cốt “ngoại” từ bối cảnh cho đến ngôn ngữ thoại, văn hóa Việt gần như thiếu vắng, nếu không muốn nói là lai tạp. Nếu mang phim đi làm ngoại giao văn hóa, chắc làm khó với bạn bè quốc tế vì không biết đâu là bản sắc văn hóa Việt?

Ngay trong một cuộc hội thảo về điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc, một nhà sản xuất phim của Hàn cũng nói ý, phim Việt remake phim ngoại, nhất là phim Hàn, sẽ mau chóng làm khán giả Việt nhàm chán, nên chăng cần hợp tác để xây dựng kịch bản mới, thuần Việt.

Việc nghiêm túc đầu tư, xây dựng đội ngũ biên kịch tài năng, có những kịch bản chất lượng cao thuần Việt cho phim Việt, nên là như một trong những ưu tiên của chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn