MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng phục hóa bằng các cột sắt trên phố Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội.

Phố kiểu mẫu với 200 cột thép đỏ chót, các chuyên gia "kêu" phản cảm

Đào Bích LDO | 20/11/2018 07:30
Gần 200 cột thép đỏ chót mới được dựng lên trên con phố Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội khiến người dân bức xúc, phản ứng.

Khoảng hơn một tháng nay, dọc vỉa hè hai tuyến phố Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội mọc lên khoảng 200 cột thép cao vút có màu đỏ chót. Các cột sắt được dựng lên với mục đích gắn biển hiệu quảng cáo, treo cờ và đèn lồng mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội đặc biệt.

Tuy nhiên, trong khi chính quyền cho rằng, những cột sắt đỏ được dựng lên để tạo sự đồng bộ, văn minh thì những người dân nơi đây lại thấy vướng chân, nhức mắt.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội thí điểm về việc đồng phục hóa tuyến phố. Dù xảy ra nhiều tranh cãi và đã có nhiều dự án thất bại, song việc “mặc đồng phục cho các tuyến phố” vẫn được tiếp tục thực hiện.

Theo tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, muốn làm tuyến phố kiểu mẫu phải nhìn đồng bộ nhiều yếu tố.

“Trước hết phải xem xét về không gian kiến trúc, giải pháp mặt đứng kiến trúc, cây xanh, các hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, hệ thống cấp thoát nước. Ngoài ra cũng cần tính đến các tiêu chí biển hiệu quảng cáo trên phố đó như thế nào”, ông nhấn mạnh.

Theo chuyên gia xây dựng, mỗi một tuyến phố phải là một hệ thống kiến trúc riêng. Trong đó, có dấu ấn của những thiết kế công trình của người dân mang lại. Chính quyền có thể tham gia vào sự thiết kế tuyến phố nhưng phải có sự đồng thuận của người dân sinh sống xung quanh, không thể tùy tiện sáng tạo mà gây ra sự phản ứng.

 Nhiều người dân không đồng tình với việc "mặc đồng phục" cho phố. 

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, đồng phục hóa tuyến phố vô tình tạo nên sự phản cảm, làm mất bản sắc văn hóa tự nhiên của phố phường. 

Không thể dựng nên một hàng cột sắt rồi nói đó là cách xây dựng, thực hiện văn minh đô thị được. 

Theo ông, cần có sự quản lý đối với việc treo biển nhưng không có nghĩa là “mặc đồng phục” cho tất cả các con phố. Điều đó sẽ khiến đường phố mất đi tính bản sắc tự nhiên vốn có của chúng.

“Nếu tạo ra sự đơn thuần về quảng cáo thì sẽ không đồng thuận với từng kiến trúc của từng ngôi nhà, chức năng công trình”, ông nói.

Về vấn đề này, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khẳng định, cần xem xét nghiêm túc các dự án về “đồng phục hóa các tuyến phố”.

Chuyên gia lý giải: "Bài học từ việc làm biển hiệu kiểu mẫu ở phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội cách đây 2 năm là một ví dụ sâu sắc. "Vì sao biển hiệu đồng phục trên con phố này thất bại? Đơn giản vì thiếu hợp lý trong thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu quảng cáo kinh doanh".

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cho rằng, việc xây dựng một loạt các cột sắt ở phố Đình Thôn sẽ sớm có chung số phận tương tự như ở phố Lê Trọng Tấn.

"Dãy cột cao ngất ngưỡng vừa chiếm không gian hoạt động đi lại, làm vướng mắc vỉa hè, tạo ra thẩm mỹ nhàm chán", ông Hào nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn