MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê Sơ ở Hoàng thành Thăng Long

Hải Ngọc LDO | 12/11/2021 16:09

Điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long được xem là kiến trúc biểu trưng cho quyền lực của triều đình và khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Hình dung về điện Kính Thiên

Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức Toạ đàm khoa học quốc tế "Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê Sơ". Bên cạnh việc giải mã dần những bí ẩn về hình dáng, kiến trúc của cung điện thời Lê Sơ, các công bố này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long sau này.

PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, đã mất nhiều thời gian để nghiên cứu về loại ngói bộ mái của điện Kính Thiên thời Lê Sơ.

Mảnh mô hình tháp men xanh lục mô tả kết cấu đấu củng, thời Lê Sơ, khai quật được tại khu vực điện Kính Thiên năm 2021. Ảnh: BTC

Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy nhiều hiện vật ngói, trong đó có ngói rồng men vàng và men xanh lục ở Hoàng thành Thăng Long với rồng cuộn có phong cách như hình rồng trên đồ gốm ngự dụng.

Từ năm 2002 đến 2004, cuộc khai quật khảo cổ học lịch sử có quy mô chưa từng có đã mở ra một trang sử mới cho lịch sử nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long và Kinh đô Thăng Long. Kết quả của cuộc khai quật này đã phát lộ một quần thể di tích kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất cùng một số phát hiện về kiến trúc cung điện thời Trần, thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng.

Một số mảnh vật liệu kiến trúc thời Lê Sơ khai quật được tại khu vực điện Kính Thiên năm 2021. Ảnh: BTC

Phát hiện quan trọng này đã gây một tiếng vang lớn và từ đây mọi người bắt đầu biết đến nhiều hơn về Hoàng thành Thăng Long, cũng từ đây, Hoàng thành Thăng Long đã nhanh chóng được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa của nhân loại.

Từ năm 2014 cho đến nay, các cuộc khai quật ở khu vực “trục trung tâm” và khu vực “điện Kính Thiên” đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học quan trọng cho những hiểu biết về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc thời Lê Sơ và thời Lê Trung Hưng.

Công cuộc phục dựng

Việc dựng lại mặt bằng điện Kính Thiên của PGS.TS Bùi Minh Trí một phần dựa trên nghiên cứu của PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam. Dựa vào kết quả khai quật tại khu vực phía sau điện Kính Thiên, ông Tín đã đưa ra bản vẽ mặt bằng kiến trúc.

Theo đó, điện Kính Thiên có quy mô rất to lớn với mặt bằng hình chữ Công (工). Điện trước, điện sau bằng nhau và đều có 7 gian 2 chái. Lòng điện có 10 hàng cột gỗ, mỗi hàng 6 cột. Kết cấu mặt bằng này giống với mặt bằng kiến trúc chính điện Lam Kinh, Thanh Hóa.

Ngói hình rồng men vàng thời Lê Sơ. Ảnh: BTC

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần trong Hoàng cung Thăng Long trong nhiều năm qua, đặc biệt là dựa vào kết quả nghiên cứu, phân loại chỉnh lý các loại hình vật liệu kiến trúc thời Lê sơ, kết hợp với kết quả nghiên cứu so sánh với di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) và kiến trúc cung điện cổ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã đưa ra nghiên cứu về các loại ngói, hình thái bộ mái.

Bản vẽ phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê Sơ. Ảnh: BTC

Trong đó đặc sắc và khác biệt nhất là loại “Ngói rồng” men vàng và xanh lục được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng (đầu, thân, đuôi), khi ghép lại theo chiều dọc của mái, nó sẽ tạo thành hình một con rồng hoàn chỉnh. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định, công cuộc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần, Lê sơ đối với các nhà khoa học là vấn đề vô cùng khó khăn và có rất nhiều thách thức bởi do thiếu cơ sở tư liệu.

Cần phải có sự đầu tư nghiên cứu rất công phu, bài bản, phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu tin cậy để giải đoán, giải tích, đặc biệt là phải có những đầu tư nghiên cứu so sánh và phải thực hành theo tính chuyên nghiệp, có tính học thuật và khoa học cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn