MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rác tràn ngập trung tâm sau lễ hội: Nên phạt nặng để nâng cao ý thức?

MINH THI LDO | 03/01/2017 12:46
Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ Giáng sinh hoặc đón năm mới, các trung tâm TP lớn như Hà Nội và TPHCM đều tràn ngập rác, nhất là trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hay các tuyến phố quanh hồ Gươm. Lý giải về điều này, nhiều nhà xã hội học, tâm lý học lắc đầu, cho rằng đây là hậu quả của việc thiếu hụt môn học bảo vệ môi trường trong các trường học và báo động về ý thức của giới trẻ trong việc giữ gìn cảnh quan cho thành phố.  

Nỗi xấu hổ không phải ai cũng biết

Sau chương trình đếm ngược đón năm mới 2017 vào tối 31.12.2016 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM), hàng nghìn nam thanh nữ tú ra về, để lại những đống rác thải tràn ngập cả con phố này. Họ cũng chẳng xấu hổ khi ngang nhiên tàn phá cả cảnh quan nơi lễ hội diễn ra, giẫm nát hoa cảnh và thảm cỏ, đu bám, leo trèo làm gãy cành cây cổ thụ, xô đổ hàng rào… Tương tự, giấy bìa, nylon, thức ăn thừa, chai nhựa… cũng tràn ngập các tuyến đi bộ quanh hồ Gươm (Hà Nội) vào sáng 1.1.2017. Có người còn ví von cho rằng “biển người” đã để lại cả “biển rác” sau đêm giao thừa.

Mỗi lần đón năm mới, phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM) trở thành bãi rác. Ảnh: TL

Điều đáng nói là năm nay ở TPHCM, ngay sau đó, một số bạn trẻ đã chung tay nhặt rác để giữ gìn vệ sinh chung. Những loại chai nhựa, lon nước ngọt được họ phân loại để riêng, những hộp xốp, bao nylon được gom lại gọn gàng. Sau khoảng 10 phút, nhiều khu vực rác đã được gom. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những bạn trẻ có ý thức như vậy. Toàn bộ gánh nặng dọn dẹp vệ sinh trút lên vai những công nhân quét rác. Và bản thân họ có nỗ lực mấy đi chăng nữa cũng phải thức đến sáng để dọn sạch những bãi rác khổng lồ như thế.

Theo số liệu thống kê công bố vài năm trước, vào dịp lễ hội, bình quân mỗi ngày nhân viên Công ty Môi trường đô thị thu gom được gần 3,5 tấn rác. Nhân viên phải tăng cường lực lượng trực và sử dụng que kẹp để nhặt rác, vì nếu cúi xuống nhặt thì họ sẽ bị xô ngã…

Không chỉ xả rác, cả biển người chen lấn, xô đẩy, có những nhóm trẻ chòng ghẹo các cô gái trẻ, hay kẻ gian tranh thủ móc túi, lấy điện thoại… Ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng cũng lên đến mức báo động.

Nhiều người khi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng này đã phải thốt lên: “Vô ý thức. Đáng xấu hổ. Sau này có con cái, điều đầu tiên sau việc dạy lễ phép là phải dạy bọn trẻ có ý tứ trong việc vứt rác. Hơn nữa, cũng mong thành phố đặt thêm nhiều thùng rác hơn nữa. Cứ mỗi lần đi qua thấy rác tràn lan là khó chịu kinh khủng”.

Cũng có không ít bậc phụ huynh than thở: “Ngán cho lối sống, suy nghĩ và hành động của những con người này, đặc biệt là các bạn trẻ. Giờ là thời đại nào rồi? Việt Nam chúng ta thì mãi lè tè, mỗi việc nhỏ là ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cũng không có thì làm sao xã hội phát triển được?”.

Theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy, chị cũng vô cùng buồn lòng vì ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung của đa số những người tham gia lễ hội ngày càng kém. “Báo chí đã tuyên truyền rất nhiều về sự nguy hại của bao nylon, vỏ đồ nhựa, nguy hại kéo dài hàng trăm năm. Người tham gia lễ hội hầu hết là người trẻ, cha mẹ đưa con đi chơi... Chúng ta cần có nhiều biển báo cấm xả rác, cần đặt nhiều thùng rác công cộng hơn. Và cần nhắc nhở những người bán hàng rong có lời nhắc khách bỏ rác vào thùng, xe bán hàng rong cần có bao rác treo sẵn để chính họ và khách có nơi bỏ rác mới được bán... Ngoài ta, cần có chế tài phạt nặng những ai xả rác bừa bãi. Quan trọng hơn là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh chung cho các em học sinh các cấp để các em nhắc cha mẹ khi đi chơi. Nhà trường cần đưa nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường vào giờ họp phụ huynh để nhắc nhở cho phụ huynh. Mỗi người trong chúng ta cùng nhớ và thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định thì môi trường của chúng ta sẽ xanh, sạch, đẹp”.

Giáo dục không đến nơi đến chốn

Khi được hỏi, phải chăng ở nhà trường đã có bộ môn giáo dục công dân mà không đủ sức thấm vào lớp trẻ, để đại đa số người trẻ hiện nay hoàn toàn thiếu ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường, TS Thúy nhận định: “Thực ra, họ không hề được học một cách đầy đủ. Lâu nay tên môn học trên có trong chương trình, nhưng dạy rất ít trên lớp và dạy cho có, nên không có tác động gì đến học sinh. Còn phía gia đình thì dường như… bỏ quên. Nhà trường bỏ quên, người lớn không làm, nên trẻ không được giáo dục là vậy”.

Cũng có ý kiến cho rằng sau này nên tổ chức đội ngũ công nhân lấy rác kịp thời từ các thùng rác công cộng, song song đó bố trí lực lượng chức năng đông đảo để xử phạt mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai phạt vào thời điểm biển người chen chúc và camera nào quay cho xuể những hình ảnh của cả biển người thiếu ý thức giữ vệ sinh công cộng như vậy?

Bao giờ việc xử phạt người xả rác bừa bãi được áp dụng nghiêm để những ai tham gia lễ hội ý thức hơn về hành vi đúng mực hơn của họ nơi công cộng? Kinh nghiệm của Singapore: Việc xử phạt thực hiện nghiêm ngặt, với mức phạt xả rác bừa bãi lần đầu có thể lên tới 1.000 đôla Singapore; nếu tái phạm, mức phạt tăng lên gấp 2, gấp 5, kèm theo lao động công ích. Việc ăn quà vặt, uống nước khi tham gia các phương tiện công cộng cũng bị ngăn cấm nhằm giữ trật tự văn minh đô thị.

Việc xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam cần phải được thực hiện cương quyết và hiệu quả hơn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn