MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” vừa in 500 cuốn, phát hành đã bán sạch. Ảnh: NT

Sách mới xuất bản đã bán sạch vì... tranh biện trái chiều

Thanh Hải LDO | 13/07/2022 17:34

Đà Nẵng - Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của tác giả - PGS.TS ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham (Khoa ngôn ngữ văn học và văn hóa - Viện ĐH Florida, Hoa Kỳ) vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng giới thiệu, lập tức đã bán sạch, chuẩn bị in đợt 2.

Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng, ông Nguyễn Thành cho biết, “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” là tập sách thứ hai trong Tủ sách Đất Quảng do Nhà xuất bản Đà Nẵng khởi xướng từ năm 2021 với mục đích biên soạn, giới thiệu các đầu sách có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, danh nhân, tác giả văn học... của Đất Quảng giàu truyền thống, phục vụ thiết thực cho bạn đọc.

Cuốn sách vừa xuất bản, in 500 bản, phát hành từ ngày 9.7, đến nay đã bán hết sạch. Hiện, NXB Đà Nẵng đang chuẩn bị in đợt 2 để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Điều đáng nói, ngay sau khi giới thiệu, phát hành, cuốn sách đã là tâm điểm của nhiều tranh luận trái chiều, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Tác giả Andrea Hoa Pham cho biết, bà mất 25 năm để hoàn thành cuốn sách, từ khi lên ý tưởng, thu thập, nghiên cứu tài liệu đến khi làm việc với NXB Đà Nẵng để biên soạn, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thành bản in. Tập sách có nội dung chính tập trung phân tích, đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, con đường biến đổi của các âm và vần để đưa đến hình dạng ngày nay của tiếng Quảng Nam.

Dù tác giả Hoa Pham nói rằng mình chỉ đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam là từ Thanh-Nghệ Tĩnh. Nhưng chính tên sách - “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” đã bị nhiều bạn đọc phản ứng vì “tính khẳng định” này.

Nhiều người cho rằng, chỉ căn cứ vào con đường biến đổi của các âm, vần… mà đi đến kết luận nguồn gốc giọng Quảng Nam là từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là chưa thuyết phục.

Nhà báo Hồ Trung Tú - tác giả cuốn sách "Có 500 năm như thế" (xuất bản 2012)- cho rằng, việc nghiên cứu khoa học mỗi người mỗi ý, mỗi góc độ tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược... là chuyện bình thường. Nhưng tác giả Hoa Pham chỉ dựa vào một hiện tượng biến đổi âm a thành oa rồi kết luận giọng Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ là vội, chưa thuyết phục.

Ông Tú cho biết, khi viết "Có 500 năm như thế", tôi đã phải dùng đến nhiều công cụ nghiên cứu như lịch sử, văn hóa dân gian, dân ca, y phục, dân số, người Chàm ở lại, gia phả, ngôn ngữ... Ngay trong ngôn ngữ cũng khảo sát từ lịch sử ngôn ngữ đến phương ngữ, thanh điệu, ngữ điệu, vốn từ của người Quảng... Thế nhưng cũng để dè dặt nhận ra những gì trong tâm hồn mình nổi trội hoặc chìm khuất hơn…”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc nêu ra “hiện tượng âm A thành Oa” trong giọng Quảng Nam, cho đến thời điểm này cho thấy tác giả Hồ Trung Tú là người đầu tiên. Ông Tú còn có nhiều công trình nghiên cứu dày dặn, công phu. Ngoài cuốn sách "Có 500 năm như thế", ông Tú còn có nhiều tham luận khoa học, nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này.

Đặc biệt, năm 2014, chính TS. Andrea Hoa Pham đã có bài báo tranh biện với tác giả Hồ Trung Tú về “hiện tượng âm A thành Oa” trong giọng Quảng Nam.

Ông Tú cho rằng TS Hoa Pham đã phát triển bài báo tranh biện ấy thành cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” hiện nay. Đặc biệt, tác giả đặt lại hiện tượng biến đổi âm (a, oa), dựa trên cơ sở này để phân tích, diễn giải… để đi đến giả thuyết về nguồn giọng Quảng Nam… nhưng hoàn toàn không đề cập đến tên Hồ Trung Tú – người đầu tiên nói đến “hiện tượng biến đổi âm a – oa trong giọng Quảng Nam”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn