MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trần Thu Hà - Ý Lan kết hợp ăn ý trên sân khấu Đêm nhạc Masteri.

Sao hải ngoại “hốt bạc” cũng phải nhờ thực tài

MINH THI LDO | 13/12/2016 14:54
Nói gì thì nói, muốn khán giả trong nước tự bỏ tiền ra mua vé giá cao cũng không dễ, nếu không đủ thực tài. Khi chất lượng nghệ thuật được đặt lên hàng đầu, có thể thấy cán cân nghiêng về lớp sao ngoại. Họ có thâm niên trong nghề, có giọng hát, có nền tảng văn hóa, tri thức, ít bon chen...

“Vung tay” trả cátsê cho sao hải ngoại

Không phải ngẫu nhiên mà bầu sô vung tay sẵn sàng đón sao hải ngoại về với mức giá rất cao. Đó là vì họ đã thấy những “cách làm mới” nếu đi tiên phong sẽ mang lại hiệu ứng cảm xúc cho khán giả và mang về doanh thu cho mình.

Về cátsê, trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình, cho đến nay chưa mấy ai vượt mặt Hoài Linh, Việt Hương cho dù có cả một đội ngũ diễn viên hài trẻ đang nổi như Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang… Cátsê của ca sĩ hải ngoại cũng dao động từ 4.000 - 10.000USD, trong khi các sao nội “hot” nhất cũng chỉ từ 5.000 - 7.000USD. Người ta nhắc đến cátsê khủng của Bằng Kiều khi anh trở về nước lần đầu, với tin đồn là 20.000USD/đêm. Còn danh ca Khánh Ly cũng có tin đồn mức cátsê rất choáng ngợp, chưa kể đến chi phí bay sang Mỹ để thuyết phục bà nhận lời, cùng biên tập, chọn bài, thống nhất kịch bản… Rõ ràng, khi các sao hải ngoại về nước thì được tung hô vang dội, trong khi tại hải ngoại, giá các sao chỉ khoảng 2.000 đến 3.000USD nhưng không nhiều show, chỉ hát vào các ngày cuối tuần.

Một chủ phòng trà ở TPHCM cho biết, ca sĩ hải ngoại đi lưu diễn ở Canada, Australia, Châu Âu và luôn nói rằng, cátsê do các nhà tổ chức Việt Nam trả cho ca sĩ hải ngoại cao gấp đôi ở các nước trên thế giới. Năm 2006, những ca sĩ hải ngoại về Việt Nam lấy giá thường ít hơn giá của họ ở Mỹ hay các nước khác, vì họ biết khán giả Việt khó trả vài trăm USD để mua vé xem một đêm diễn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà tổ chức ở Việt Nam lại… hào phóng tăng giá gấp đôi và đôi khi gấp ba để có được ca sĩ họ muốn. Từ đó, họ quen với giá mới nên thường xuyên áp dụng cho những lần về kế tiếp.

Cho tới nay, chưa thấy bầu sô nào than lỗ với các chương trình nói trên, nhưng sự thực là càng ngày, ở các liveshow hải ngoại, lượng vé bán ra ngày càng thấp, số ghế trong khán phòng bắt đầu vơi dần và cuộc chơi đòi hỏi một cách tiếp cận khác. Không dưng họ tự nâng giá của ca sĩ hải ngoại và tự làm khó chính mình, làm khó khán giả.

Show ngoại chất lượng hơn hẳn?

Về chương trình biểu diễn, theo quy luật, càng mới xuất hiện càng thu hút khán giả, nhưng khi đã về thường xuyên, thì việc đổi món, đổi cảm xúc là cần có. Các sao ngoại cùng ông bầu tính toán khôn ngoan khi những lần xuất hiện đầu là những liveshow khủng tiền tỉ, với các hình thức mới mẻ mang từ hải ngoại về, khiến người xem tò mò không cưỡng lại được. Sau đó phải là chất lượng. Nếu đã xem các liveshow của Khánh Ly, hay Masteri - hòa nhạc đẳng cấp của Tuấn Ngọc, Ý Lan, Hà Trần, Bằng Kiều, Tùng Dương, Uyên Linh và sắp tới sẽ là Thanh Tuyền - người xem sẽ có đánh giá khách quan về đẳng cấp cũng như chất lượng nghệ thuật của các danh ca.

Đó là những đêm nhạc để nghe thực sự, người sản xuất cũng có nghề, có khả năng đoán biết ý thích của khán giả và biết tạo sự kết hợp mới giữa các ca sĩ, để tạo nên “dư chấn” nhất định.

Nếu chỉ dựa vào thành công của những show diễn đầu tiên tại Việt Nam thì tên tuổi của Bằng Kiều, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Chế Linh chỉ đủ sức nóng một thời gian ngắn. Mà quan trọng là tầm nhìn của nhà sản xuất và của chính các danh ca. Họ phải làm mới các ca khúc, làm mới cảm xúc khán giả. Thế mới xứng với tiền mua vé cao ngất ngưởng mà khán giả bỏ ra. Không phải chương trình của sao hải ngoại nào cũng hay, cũng không có sạn, cũng có không ít chương trình hô đầu tư 5 - 6 tỉ đồng nhưng sân khấu sơ sài, âm thanh, ánh sáng không đảm bảo, vài nhóm múa nhảy nhót cho có…

Nhưng nhìn chung, các liveshow của ca sĩ hải ngoại thường được đầu tư ở mức độ cao, chất lượng đồng đều, biết khai thác, nhấn mạnh ở thế mạnh của từng người và các khách mời khi kết hợp với ca sĩ chính, nên có cái để nghe hơn là các show màu mè, khoe tiền tỉ nhưng ít khoe giọng của sao thị trường trong nước. Một lý do về mặt “đánh trúng” tâm lý nữa, là dù ngồi nhà đã có thể xem đủ chương trình giải trí, song lớp khán giả trung niên vẫn chịu chơi khi mua giá vé từ 3 - 5 triệu đồng/vé (có khi cao hơn) là để thưởng thức những ca khúc theo mình đi cùng năm tháng, gặp lại “thần tượng” xưa và tìm lại hồi ức của đời mình.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, làn sóng ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại về nước rồi có lúc cũng nhạt dần, người cũ không đủ sức thu hút khán giả, thì đó là khi thế quân bình lập lại trên thị trường giải trí: Có gì mới để trám chỗ trống? Câu hỏi này dành cho các nhà sản xuất và đầu tư trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn