MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỷ niệm chương của TKV trị giá 640.000 đồng. Ảnh: T.L

Sẽ cấm tặng quà, chiêu đãi tại các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống

LINH ANH - THANH HƯƠNG LDO | 13/10/2017 19:06
Bộ VHTTDL vừa trình Chính phủ nghị định liên quan đến các hoạt động kỷ niệm, ngày truyền thống. Một trong những ý kiến đáng lưu ý nhất là tại các ngày này, BTC không được tặng quà, chiêu đãi. Việc này nhằm tiết kiệm chi phí, giảm đầu tư không cần thiết ở các đơn vị, địa phương.

Mỗi lễ kỷ niệm tiêu tốn hàng tỉ đồng

Năm vừa rồi, dư luận xôn xao về khoản tiền UBND tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh đã tặng mỗi hộ dân và đại biểu dự lễ một bộ ấm chén. Tổng chi phí cho việc tặng quà là gần 65 tỉ đồng. Số lượng quan khách của buổi lễ này lên tới 3.000 người. Được biết, nguồn tiền mua sắm quà chủ yếu từ ngân sách nhà nước và một phần xã hội hóa.

Sau đó, nội dung này được đề cập đến trong Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải - trình bày hồi tháng 4.2017.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Ngay việc chúng ta có quản lý được việc các địa phương, bộ ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, Festival… Có nơi sử dụng ngân sách, có nơi xã hội hoá nhưng vẫn là nguồn lực của đất nước, của quốc gia, của xã hội. Cần phải nhấn mạnh thêm điều này”.

Theo dự thảo, việc công nhận ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương là thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh. Dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định về quy mô tổ chức đối với năm chẵn và tổ chức hằng năm ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, quy định về nghi thức và trình tự cũng như trang trí, khánh tiết buổi lễ kỷ niệm.

Số lượng thống kê sơ bộ cả nước hiện nay có khoảng hơn 200 ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương mà thực tế cho thấy, nhiều nơi tổ chức buổi lễ kỷ niệm có quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng nhiều, gây tốn kém và lãng phí hoặc có nơi tổ chức sơ sài, thiếu đi sự trang trọng. Do đó, việc tổ chức các buổi lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, hơn nữa, còn làm ảnh hưởng xấu đến dư luận cũng như gây mất lòng tin trong nhân dân.

Từ thực trạng trên, Bộ VHTTDL cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng là khá quan trọng, nhất là trong việc tạo hành lang cơ sở pháp lý công nhận và tổ chức lễ kỷ niệm ở các cấp được áp dụng thực hiện một cách có thống nhất, tránh tình trạng manh mún, ai thích kiểu gì làm kiểu nấy.

Quà tặng, chiêu đãi trong ngày kỷ niệm phải bị coi là… hủ tục

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ quan điểm: “Nếu cứ tiếp tục duy trì tổ chức rình rang các lễ kỷ niệm nọ kia thì sao có thể tiết kiệm hay chống lãng phí. Mọi người nhìn vào đó sẽ chỉ thấy rằng, đây là một kết quả của bệnh sĩ diện truyền thống, mong muốn mọi thứ phải thật hoành tráng và lộng lẫy, vậy làm thế để làm gì?”.

Một trong những điều đáng chú ý tại dự thảo Nghị định mà Bộ VHTTDL trình Chính phủ phê duyệt, đó là để giảm tránh được việc tổ chức buổi lễ quá lớn, khách mời quá đông, số lượng đại biểu khách mời không quá 100 đại biểu (bao gồm đại biểu thuộc các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, địa phương và khách mời quốc tế).

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái ủng hộ việc cần tiết chế, không “phình to” số lượng khách mời đã là một cách tiết kiệm hiệu quả. “Tôi hoàn toàn đồng ý trong việc giản lược bớt các nghi lễ, không cầu kỳ bày vẽ mà nếu cần phải làm chỉ nên tổ chức sao cho đơn giản, trang trọng cho trúng và đúng trọng tâm mục đích của một lễ kỷ niệm. Đừng nên vì một số cái “tiện” của các cá nhân nào đó mà làm tiêu tốn ngân quỹ của Nhà nước vốn đang rất hạn hẹp như hiện nay”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, bộ và UBND cấp tỉnh chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập hoặc ngày truyền thống, không tổ chức kỷ niệm ngày tái lập, không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo) và chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm, lễ kỷ niệm… Việc kiên quyết lược bỏ một số thủ tục rườm ra nhận được nhiều sự đồng tình, tuy nhiên, PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái vẫn băn khoăn rằng, khi mọi thứ đã đi vào cụ thể, mà chưa có sự nhận thức rõ được việc tiết kiệm ra sao thì mọi thứ vẫn mãi… giậm chân tại chỗ. Ví dụ, đại biểu dự lễ kỷ niệm nhất định là phải có quà cầm về, dù nhỏ nhưng chỉ cần làm phép tính đơn giản, một bộ ấm chén tặng cho hàng trăm đại biểu đã thành số tiền lớn. Theo bà Minh Thái, quan trọng là cần bỏ tư tưởng tổ chức nhiều lễ lạt, năm chẵn hay năm lẻ không quan trọng bằng việc thay đổi tư duy kịp thời, sử dụng ngân quỹ sao cho phù hợp với thời đại và kinh tế thị trường hiện nay.

Phần lễ cũng tốn kém vì ai cũng muốn oai, truyền hình trực tiếp, xây dựng chương trình văn nghệ hoàng tráng, huy động nhiều ca sĩ, diễn viên múa, dàn nhạc hiện đại. Chi tiêu cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật này bằng xây một trường học tử tế.

Cho dù nước mạnh, dân giàu, cũng không nên cho phép tổ chức những lễ kỷ niệm tốn kém nhưng không có hiệu quả về tuyên truyền, thậm chí phản tác dụng trước dư luận. Không dân nào đồng tình trước sự xa hoa phù phiếm khi dân đang còn nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn