MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim. Nguồn ảnh: internet

“Sống chung với mẹ chồng” mới thành công một nửa

VIỆT VĂN LDO | 25/06/2017 07:05
Phim đã đi tới tập gần cuối và cho dù có thể kết phim là hạnh phúc mới của Minh Vân, cho dù raiting phim cao thì “Sống chung với mẹ chồng” cũng chỉ thành công một nửa. Tại sao phim chỉ “một chiều” toàn người “xấu xí”?

Phải đặt câu hỏi như thế bởi khi xem mấy chục tập phim “Sống chung với mẹ chồng”, đạo diễn Vũ Trường Khoa, phát sóng từ ngày 5.4.2017 trên sóng VTV1 giờ vàng, chỉ thấy các nhân vật trong phim gần như toàn người xấu, khiếm khuyết, hoặc hèn yếu, và sau cùng phim mang đến gì cho khán giả màn ảnh gia đình, nếu như không phải là những cảnh mẹ chồng - con dâu đối xử tệ với nhau, những người chồng kẻ nhu nhược, kẻ gia trưởng phong kiến…

Mẹ yêu con trai thì có lỗi gì?

“Sống chung với mẹ chồng” là tập hợp những câu chuyện mâu thuẫn trong hai gia đình có cô dâu trẻ thuộc thế hệ @ nhưng là người ngoại tỉnh, và hai bà mẹ chồng người thì xuất thân phú quý, người thì quê mùa chân chất. Do những xuất phát điểm khác nhau, nên khi làm con dâu và ở vị trí mẹ chồng, họ luôn xung đột ở tất cả các vấn đề thuộc về cuộc sống hàng ngày.

Còn nhớ bài thơ “Người đàn bà thứ hai” của cố thi sĩ Xuân Quỳnh viết về mẹ chồng của mình: “Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con/ Bởi trước con anh ấy là của mẹ/ Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ/ Nhưng suốt đời anh ấy yêu mẹ, mẹ ơi… Dù thế nào con cũng chỉ là người thứ hai”… Vậy, việc mẹ chồng yêu con trai mà tỏ ý nghi ngại, thậm chí cư xử khắt khe với con dâu, hay can thiệp sâu vào cuộc sống riêng của con mình một cách thái quá có gì sai? Hay con trai vì yêu mẹ mà trở thành nhu nhược, chiều theo ý mẹ mà không nghe lời vợ có gì xấu? Xấu ở đây, theo suy nghĩ của người viết, là các cô con dâu, thiếu một cái “tâm” làm dâu làm con.

Trong phim chỉ thấy một bà mẹ chồng quá quắt, xét nét từng ly từng tí như một người tâm lý có vấn đề, một bà mẹ chồng khác thì tận tâm tận lực chiều chuộng con dâu một cách đáng thương đến phát bực mình… Họ có phải người xấu đâu, ngoài tình yêu con trai - “cục cưng” của họ.

Phim đã không đưa được vấn đề tâm lý mẹ chồng để lý giải những hành vi thái quá, làm cho khán giả nhìn các mẹ chồng như người bị tâm thần, thấy ghét mà không đáng thương. Và cũng chính thế, khán giả phần lớn cho rằng thời này chẳng có mẹ chồng “thật” nào tệ đến vậy.

Con dâu thiếu đạo làm con, đàn ông thiếu “men”

Dân gian Việt có câu “Dâu là con, rể là khách”, với bố mẹ chồng - bố mẹ vợ là “tứ thân phụ mẫu”, vậy mà các cô con dâu trong “Sống chung với mẹ chồng” toàn có học vấn nhưng lại rất kém về ứng xử với mẹ chồng theo đạo làm con. Về làm dâu mà không có chút hiểu biết tâm lý mẹ chồng, thay vì phải tìm hiểu để tìm cách dung hòa những bất đồng, thì cứ “bốp chát” tay đôi một cách hỗn hào, bất cứ gì mẹ chồng làm là phản ứng.

Một cô dâu về nhà chồng lười biếng đến mức quần áo bẩn cũng để mẹ chồng giặt, nhưng khi mẹ chồng xét nét chuyện gì thì trợn mắt phản ứng, một cô khác lừa được mẹ chồng mua nhà ở riêng, khi được mẹ chồng chăm sóc, chưa vừa ý, không những hỗn xược “đá thúng đụng nia” lại còn luôn tìm cách đuổi mẹ chồng về quê, không biết trân trọng mẹ chồng. Hai cô dâu gặp nhau, thay vì trao đổi những việc làm sao cho “vượng phu ích tử”, thì chỉ ra sức nói xấu mẹ chồng cho hả dạ. Chính vì thế, khi cô con dâu bị mẹ chồng đối xử nghiệt ngã, chỉ thấy thương hại cho cô ta mà khó cảm thông, hay cô kia khi bị mẹ chồng ép ăn uống hơi vô lý, thì chỉ thấy cô rất đáng ghét, đến khi cô bị sang chấn thần kinh vì con bị bắt cóc chỉ thấy tội nghiệp.

Trong phim, hơi khắt khe, thì hầu như người đàn bà nào cũng khiếm khuyết về tư cách. Ngoài các mẹ chồng, con dâu nhân vật chính, còn hình ảnh một cô con dâu trong quá khứ (bà mẹ chồng hiện tại) rất hỗn xược với mẹ chồng...

Những đàn ông trong phim phần lớn rất “mềm”, thiếu chất đàn ông - theo ngôn ngữ thời thượng dùng tiếng Anh bồi là “men” (manly), số còn lại thì gia trưởng xưa cũ. Một anh chồng trẻ nhất nhất nghe theo mẹ chẳng chịu trưởng thành, muốn bênh vợ cũng lại sợ mẹ, cuối cùng mất vợ, rồi lấy vợ mới cũng theo ý mẹ để rồi mang hận. Một anh chồng trẻ khác thì như đi giữa hai làn đạn của mẹ và vợ, chẳng có lấy một nụ cười thanh thản. Một ông chồng - bố chồng đôi khi cũng dám sửng cồ với vợ, nhưng chỉ như ngọn lửa cuối bấc, cũng là “nhất vợ nhì trời”. Những nhân vật đàn ông khác cũng khiếm khuyết, một doanh nhân trẻ ly hôn, một anh nhà báo yêu đơn phương đồng nghiệp, một ông bố tưởng chừng mạnh mẽ do tính gia trưởng thì cũng chỉ ôm những vụn vặt đạo đức xưa cũ…

Cũng không hiều ý đồ đạo diễn phim ra sao, nhưng nhìn cảnh bà mẹ chồng bị con dâu bắt nạt một cách trơ tráo, trong một tâm ý có vẻ hả hê như “quả” bà phải nhận vì đối xử khá ác nghiệt với cô con dâu trước, thấy bất nhẫn. Hay hình ảnh bà mẹ chồng quê vì bất cẩn để cháu nội bị bắt cóc, đã sợ con dâu đến nỗi không dám điện thoại hỏi thăm cháu nội của mình, thấy đáng thương.

Cuối cùng thì phim muốn mang đến khán giả điều gì, khi gần như các nhân vật của phim đều khiếm khuyết cả tâm hồn lẫn nhân cách? Khi không có lấy một nhân vật nào để cho có một điểm tựa trong sáng về cuộc sống gia đình - tình yêu - tình người - tình đời?

Và đó chính là phần chưa thành công của phim “Sống chung với mẹ chồng”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn