MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đặc sắc lễ hội "tạ ơn rừng" của người miền núi, Quảng Nam. Ảnh: Trà Ban

Tạ thổ, một lễ nghi để con người tỏ lòng biết ơn đất đai, thổ nhưỡng

Thanh Hải LDO | 25/01/2023 06:45

Với mỗi dân tộc, mỗi địa phương của người Việt đều có rất nhiều lễ nghi, hội hè truyền thống quanh năm, nhưng "tạ thổ" - cúng đất - là một lễ nghi quan trọng và phổ biến nhất, xuất hiện ở mọi nơi. Lễ nghi này còn có ý nghĩa giáo dục, nhắc nhỡ con người sống  phải biết tôn trọng, bảo vệ tự nhiên, môi trường...

Với người Trung Trung bộ, tạ thổ không cúng vào dịp cuối năm như ở các vùng quê miền Bắc, mà thường diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 8 âm lịch.

Có nhiều giải thích về gốc gác của lễ nghi dân gian, truyền thống này ở miền Trung. Nhưng có điểm chung, lý giải hợp lý đó là người dân thường cúng sau vụ thu hoạch. Điều này phù hợp với đời sống sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của người địa phương.

Người dân thường soạn mâm cúng tạ thổ thần, đất đai - những vị thần cai quản vùng lãnh thổ - nơi mà mình ở, canh tác, trồng trọt, sản xuất. Vì vậy, tùy vùng miền mà có nơi cúng tháng 2, có địa phương cúng tháng 8 - tùy theo "nông lịch" - là vậy.

Lễ cúng cũng đơn giản, thường chia làm 3 bàn - thượng, trung, hạ. Tuy nhiên cũng chỉ hoa quả, trầu cau, rượu đế, con gà, đĩa xôi, chén chè, khoai sắn luột, bắp, mía... và một mâm cơm.

Theo ông Nguyễn Tâm, ở Quế Sơn, Quảng Nam, thì quê hương ông là một vùng đất trung du, phần lớn đất đai hoang hóa, cha ông bao đời tự khai hoang vỡ hóa, lập làng, tìm đất sản xuất. Tuy đã nhiều đời định cư, nhưng trong tâm khảm của họ, thì đất ở và đất để canh tác, trồng trọt, con người chỉ vay mượn, "ở  nhờ". Vì vậy, mỗi mùa màng, mỗi năm phải làm lễ tạ thổ, để tỏ lòng biết ơn các vị thần cai quản, các vị tiền hiền đã khai khẩn, để cảm ơn thổ nhưỡng đã giúp họ, cho họ nơi ở, cái ăn, sự bình yên. Đó cũng là đạo lý đúng đắn ở đời.

Tuy nhiên, theo ông Tâm, vấn đề không phải là mâm cao cỗ đầy, lễ cúng linh đình mà là sự thành tâm của gia chủ, con người. Cúng tạ đất đai thổ thần, long mạch - những vị thần, linh, những người khuất mày khuất mặt... đang cai quản vùng đất mình sống nhờ là một đạo lý, chịu ơn thì phải trả. Điều quan trọng hơn là con người sống phải biết tôn trọng thiên nhiên, môi trường. Khai thác tự nhiên, đất đai để phục vụ đời sống, nhưng phải hài hòa, phải dung dưỡng, tái tạo.

Nhiều người, nhiều nơi khai thác tài nguyên, thiên nhiên theo kiểu tàn phá môi trường thì không lễ nghi nào phù hợp để thần linh dung tha cho sự xâm hại này. Ảnh: Khai thác vàng ở vùng núi Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Long

"Bây giờ thấy nhiều người, nhiều nơi khai thác tận diệt thiên nhiên, phá hoại môi trường mà sợ. Không thần nào chứng nỗi, không thổ địa nào mà chịu được sự hung bạo, tàn phá của con người. Đất đai, sông núi đều có thần linh cai quản, nhưng nhiều người không ngại "phá sơn lâm, đâm hà bá", nên cái kết cho sự nghiệp, hậu vận là tan tành. Cho nên, cúng tạ ơn đất là một lễ nghị quan trọng, nhưng phải hiểu đúng ý nghĩa của nó, để con người biết tự răn đe, kiềm chế lòng tham, biết sống cho phải đạo lý ở đời. Đó là cái đẹp của lễ nghi dân gian truyền thống của cha ông bao đời" ông Tâm giải thích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn