MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tản mạn: Nỗi nhớ

QUANG HÂN LDO | 18/03/2017 20:00
Nhớ câu ai nói trong một bữa rượu: “Người Hà Nội xưa coi uống trà là thanh cao còn uống rượu là tầm thường thôi”. 

Lúc mới nghe, tôi cứ thấy chạnh lòng, vốn là người Hà Nội “gộc” nhưng lang thang cả nước, cái cảnh uống trà nhàn nhã ấy dường như đã mất trong tôi, dần quen những trận rượu bia náo nhiệt, rồi chuyện tầm phào. Mới đây, bất chợt đọc đâu đó, biết được câu chuyện nhà văn Nguyễn Tuân trước lúc đi xa (chắc là đi kháng chiến ở Việt Bắc) có đến làng hoa Yên Phụ, nơi nhà văn Thạch Lam trú ngụ, trên tay cầm bộ đồ trà được bọc vải kỹ càng để tặng bạn.

Nguyễn Tuân để bọc vải trên bàn gỗ, Thạch Lam ngắm nghía bộ đồ trà: một cái ấm trà màu đỏ chu sa, một cái đĩa bàn lòng chảo bằng sứ men trắng dưới lòng đĩa có vẽ hình những con kỳ lân với những cái đuôi dài quấn vào nhau, tựa như một tấm bản đồ cổ. Thạch Lam cười hỏi, không biết đây có phải là bộ đồ trà trong “những cái ấm đất” và “chén trà trong sương sớm” chăng?

Hai người im lặng thưởng thức trà rồi nhẹ nhàng nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Sau khi Thạch Lam mất, bộ ấm trà qua bao chiến tranh loạn lạc, thế hệ sau vẫn giữ gìn trân trọng tình bạn của hai ông cho đến hôm nay. Đọc đến đó, sao lại nhớ Hà Nội, nhưng lại tiếc, giá mà hồi đó có ai chụp hình 2 cụ ngồi uống trà, thì quý biết mấy!

Nhạc sĩ Hồng Đăng và ca sĩ Quỳnh Phương.

Dạo này, mấy người bạn văn vào Sài Gòn hay nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng. Họ nói, ông chân đã yếu quá, nhưng tính vẫn ham chơi, thèm đi, nhưng cứ phải nằm miết ở nhà, thương quá! Vừa đi Bảo Lộc về, anh bạn chủ Công ty trà Ô Long Thiên Phúc tặng mấy hộp trà, lại cả một bộ trà rất “hoành tráng” gồm cả khay gỗ được chạm trổ khá cầu kỳ, quyết mang ra Hà Nội chụp bằng được ít hình ông Hồng Đăng làm kỷ niệm.

Hà Nội mưa và lạnh, nhà Hồng Đăng trong hẻm gần sông Hồng rất lặng lẽ, thật hợp để uống trà. Nhấp ly trà nóng hổi, ông khen: “Hương rất thơm, mà lại thơm lâu, vị man mát ngọt, rất nồng hậu”. Biết tính mình hay lăng xăng, gấp gáp, lúc nào cũng chỉ thích bay lên trời, mặc dù cũng cố lặng lẽ, thế rồi tôi cũng buột miệng: “Quỳnh Phương mà mời trà anh Đăng, trước mặt là những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, long lanh biết mấy”. Mắt Hồng Đăng đượm buồn, nhìn xuống đôi chân, từng đã giang hồ khắp mọi miền.

Ca sĩ Quỳnh Phương chắc quá hiểu Hồng Đăng, con người khát khao yêu, khao khát sống, cất giọng ca khúc “Lênh đênh” của ông: “Có một con đường như đợi một con suối/ Có một ngọn gió đi tìm một ngọn núi/ Có một cánh rừng chờ một cánh chim đêm…”. Giọng cô khá đẹp đủ để Hồng Đăng lại có một nỗi nhớ về vùng cao nguyên quanh năm mây mù bao phủ. Nỗi nhớ cứ dâng đầy, dâng đầy…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn