MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tản văn: Tóc rối đổi kẹo

Kiều Bích Hậu LDO | 26/01/2023 07:01
Vào dịp Tết, về quê thảnh thơi, tôi mới nhẩn nha ra vườn, hái một nắm là bưởi bòng, một nắm lá khế, hương nhu, sả rồi bỏ vào một cái nồi thật lớn, đổ nước ngập lá, bắc lên cái kiềng trong bếp cũ của bà nội, chậm rãi vun lá khô đun sôi nồi nước.

Thích lắm cảm giác lúc nước sôi, hương thảo mộc tỏa thơm khắp bếp, tôi hít hà sung sướng biết bao nhiêu.

Nước thơm ấy đổ ra chậu thau đồng, pha thêm nước mát cho vừa đủ ấm, rồi để gội đầu với một quả chanh. Mẹ tôi bảo chịu khó gội đầu như vậy tóc sẽ bớt rụng, mượt mà mềm mại, xanh mát như cây lá trong vườn. Dẫu biết vậy, và lá lẩu vườn nhà lúc nào cũng xanh, cũng dày ngợp lên chờ đợi bàn tay ai về hái mà dùng, mà được sung sướng tận hưởng hương vị thiên thiên hào phóng luôn sẵn có, nhưng công việc bận rộn ở thành phố cuốn đi, tôi đâu thể lúc nào cũng gội đầu bằng cách thanh sạch và khỏe khoắn như vậy được!

Tóc tôi giờ đây rụng đã nhiều, mỗi lần vuốt mái tóc, thấy có sợi rơi, là tôi lại bâng khuâng tiếc nuối mái tóc dài mướt xanh khi xưa. Hồi đó, tóc tôi dài gần đến gối, ra đường có một số người chặn lại thán phục, ngợi khen, hỏi xem làm thế nào có được mái tóc đẹp đến thế… Tiếc tóc, tôi mới viết nên bài thơ này:

Tóc rụng
Thương em,
Tiếc em nhưng nào đâu giữ nổi
Nhớ khi xưa ta mười sáu
Tóc mướt mát không gian
Bao người thốt ngắm
Ta đi ngang cuộc đời
Thời gian lẻn trôi qua lưng
Thảng thốt tôi nhìn em rơi mỗi sáng mỗi chiều
Thẫn thờ vuốt ve từng sợi mỏng manh
Ơi tóc!
Đã đến lúc buông rồi…
Tóc rơi…

Tiếc tóc thế, nên mỗi lần chải đầu, tóc rụng, tôi lại lẩn thẩn nghĩ, nếu mình vun tóc rụng này lại, sắp gọn, chục năm qua chắc sẽ được mớ tóc dày lắm đây! Nghĩ như thế mà tôi nào có làm thế được. 

Tôi nhớ thuở còn bé, bà tôi thường ngồi chải tóc trên cái chõng tre ở hiên nhà. Tóc bà đã bạc, nên khi chải, từng sợi bạc rụng xuống quần lụa đen, nhìn rất rõ. Chải tóc xong, bà thư thả vấn tóc chặt trong cái mảnh vải dài màu đen, thành một cuộn dài rồi quấn hai vòng quanh đầu. Tôi thấy ở cuối mảnh vải đen vẫn thò ra một món tóc nhỏ mà bà gọi là cái “đuôi gà” vắt vẻo trên gáy. Xong đâu đấy, bà cẩn thận vơ gọn đám tóc rụng còn vương trên quần, xoa tròn trong lòng bàn tay, rồi cuốn lại thành một cái nùi tóc con con, đem dắt vào khe liếp tre trước cửa nhà. Ngày nào cũng thế, nên cái liếp tre dắt kín những nùi tóc con con. 

Thỉnh thoảng, ở ngõ có người rao “Tóc rối đổi kẹo đê…ê…ê…!” là tôi lại nhanh chóng tuốt hết các nùi tóc dắt ở liếp tre ra, nắm chặt trong nắm tay, mang ra cổng đưa cho người đổi kẹo. Bác đổi kẹo đầu đội mũ cối, dắt xe đạp có chằng một hộp gỗ nhỏ đựng kẹo mạch nha phía sau, đón lấy nắm tóc rối từ tay tôi, rồi thế nào cũng phàn nàn: “Ít tóc thế này thôi a? Làm sao đủ một cái kẹo mà đổi!”

Nói vậy nhưng bác vẫn mở nắp hộp gỗ, nhúng một que tre nhỏ vào lớp kẹp mạch nha trong như hổ phách, cuốn một cái kẹo đầu que, đưa cho tôi với lời dặn: “Bác vẫn cho đủ cái kẹo. Lần sau mang đến nhiều tóc hơn nhé!”

Tôi cũng muốn có nhiều tóc rối hơn để đổi kẹo, nhưng tóc bà tôi thì chỉ có thế, mỗi ngày rụng một nùi be bé. Tóc tôi thì ngắn (mẹ tôi cắt cho tôi kiểu tóc Mai-ka) mà lại chẳng chịu rụng. Ngậm cái kẹo kéo ngọt thơm trong miệng, tôi nghĩ ra cách, hàng sáng chờ mẹ tôi chải đầu, thì tìm lượm tóc rụng. Nhưng mẹ tôi thì không cẩn thận như bà nội. Mẹ thường đứng trước gương, chải đầu xong thì tết tóc dài thành một cái đuôi sam rồi đi làm. Mẹ chẳng quan tâm tới tóc rụng. Tôi ngồi thụp xuống chỗ mẹ vừa đứng chải đầu, nhìn kỹ trên nền gạch, cũng lượm được ít sợi rụng, rồi bắt chước bà nội, vê tóc rụng của mẹ thành một nùi con con, dắt lên liếp tre trước cửa.

Tôi cũng chẳng hỏi trực tiếp bác đổi kẹo lấy tóc rối về làm gì. Nhưng nghe bà nội nói thì tóc đó dùng làm thuốc, hoặc chế hóa chất gì đó. Còn ở nhà tôi, có lần tôi bị sốt cao, bà nội lấy nùi tóc rối, bọc vào khăn với chút gừng giã nhỏ, nhúng nùi khăn đó vào rượu rồi đánh gió cho tôi. Mùi gừng, mùi rượu thơm thơm thì rõ rồi, còn không biết tóc đóng góp gì trong mẹo chữa sốt đó của bà nội, nhưng khi được bà đánh gió cho bằng gừng, rượu, tóc rối, thì tôi đỡ sốt.

Đến sợi tóc nhỏ bé rụng rơi, mà bà nội cũng không bỏ đi, không lãng phí chút nào. Thật là một cách ứng xử vi diệu với những gì quanh ta. Bài học ấy từ bà nội khiến tôi thấm thía, và có thể ứng dụng tốt trong thời buổi, dường như ta lãng phí rất nhiều thứ, mà lại luôn cảm thấy thiếu thốn!

Viết đến đây, tôi nhớ đến một phóng sự truyền hình, ghi lại một buổi mọi người ở TP. Hồ Chí Minh tình nguyện đi hiến tóc cho những bệnh nhân ung thư. Trong số những người hiến tóc được phỏng vấn, tôi chú ý đến một người đàn ông. Ông kể rằng, ông nuôi tóc dài không vì mốt, mà đơn giản nó là của mẹ cha sinh ra, của tự nhiên ban tặng. Nay thấy có người bệnh cần đến tóc thì ông đi hiến tóc. Rồi một thời gian sau, khi tóc dài vừa đủ tiêu chuẩn, ông lại đi hiến tiếp. Còn hơn việc tháng nào cũng mất tiền đi hớt tóc, mà tóc cắt đi đó phải bỏ, lãng phí!

Đó cũng là một cách ứng xử vi diệu với bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống hằng ngày của mình.

Ngày Tết nhẩn nha, mới có thể nghĩ dông dài như vậy, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, mong rằng câu rao “Tóc rối đổi kẹo” sẽ vang vọng mãi mãi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn