MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca nương Kim Ngọc và nghệ sĩ đàn đáy Bá Hải thuộc CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: Lao Động

Tạo đất diễn cho nghệ thuật trình diễn dân gian tại Hà Nội

Hương mai LDO | 11/01/2022 10:23

Những năm gần đây, diễn xướng dân gian đã xuất hiện ở nhiều điểm văn hóa du lịch của Thủ đô, mang lại trải nghiệm văn hóa thú vị cho người dân và du khách tại Hà Nội.

Tài nguyên lớn của văn hoá Thủ đô

Nghệ thuật trình diễn dân gian là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của tâm hồn người Việt, phản ánh tính cách và tâm hồn của người xưa. Trình diễn dân gian xuất phát từ đời sống văn hóa, lao động sản xuất của người dân. Một trong những không gian ghi dấu ấn bởi loại hình nghệ thuật này phải kể đến không gian phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Tại đây, phố đi bộ hoạt động với các sinh hoạt văn hóa, tinh thần đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, có các nhóm nhạc dân tộc, hát xẩm… Trình diễn dân gian đã tạo nên nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc trưng của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không thể trộn lẫn với một số tuyến phố đi bộ hay chợ đêm ở các địa phương khác.

Không gian phố đi bộ Hà Nội cũng là nơi diễn ra nhiều loại hình biểu diễn dân gian. Hầu như năm nào Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động trình diễn dân gian như múa sư tử; múa, hát cửa đình; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…

Dịp tết 2021, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống, giới thiệu những tinh hoa cổ nhạc Việt Nam trong một không gian đặc trưng của Phố cổ. Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” mừng Xuân Tân Sửu 2021 khép lại chuỗi hoạt động văn hóa Ký ức Thăng Long với sự tham gia của các thành viên nhóm Đông Kinh Cổ nhạc.

Vào cuối năm 2020, trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội lần thứ 2, người dân Thủ đô đã được tận mắt chứng kiến 30 tiết mục đặc sắc với các loại hình như: Ca trù, hát chèo, hát xẩm, hát dô, hát ví, hát trống quân, chèo tàu, cồng chiêng, rối cạn... được các nghệ nhân, người thực hành di sản đang sinh hoạt tại 10 câu lạc bộ đại diện cho các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội trình diễn. Đây đều là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội đã được cộng đồng nỗ lực giữ gìn, bảo tồn, tái tạo và trao truyền suốt nhiều năm qua.

Trên thực tế, tại Hà Nội đã có khá nhiều nhà hát, nhiều chương trình tạo được dấu ấn, thương hiệu của mình như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian nằm rải rác tại các điểm du lịch, hay các sân khấu nhỏ trong các di tích.

Tạo đòn bẩy phát triển

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách kết quả họp Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Danh sách gồm 71 hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 600 hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Ngữ văn dân gian; Tri thức dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống.

Thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu danh sách về số lượng nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu, gồm 11 “Nghệ nhân nhân dân” và 60 “Nghệ nhân ưu tú”. Trong đó, số nghệ nhân thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian chiếm đến 44 hồ sơ.

Trao đổi với Lao Động, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, Hà Nội là vùng đất có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, những loại hình đó được thể hiện qua các lễ hội trong địa bàn Hà Nội. Có thể kể tới các loại hình như múa cổ, múa rối nước, tuồng, chèo, hát trống quân, hát chèo tàu, hát ca trù, hát dô, hò cửa đình, hát xẩm…

Và trong mỗi loại hình diễn xướng dân gian cũng cho thấy đa dạng về hình thức, sự tinh tế, sâu sắc về nội dung. Nhiều nhóm nghệ nhân trình diễn dân gian, câu lạc bộ tại Hà Nội hoạt động hăng hái, không ít nghệ nhân đóng góp công sức không nhỏ cho sự phát triển văn hóa trình diễn nói riêng cũng như văn hóa Thủ đô nói chung.

Cũng theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với người nghệ nhân là khi họ được biểu diễn, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Họ chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ văn hóa. Tuy nhiên, một thực tế, qua thời gian, số lượng kịch bản không nhiều, đội ngũ nghệ nhân cũng quá ít. Vì thế, cơ hội để sáng tạo và biểu diễn của nghệ nhân không có nhiều.

Bởi vậy, xây dựng chủ trương, đường hướng đầu tư về mặt văn hóa để bảo tồn, phát triển, quảng bá loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian là điều quan trọng. Đặc biệt là đáp ứng hạnh phúc những người nghệ nhân. Có thể nói, việc gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian đã khó nhưng để phát huy giá trị của di sản ấy trong đời sống đương đại lại càng khó hơn nhiều.

Để đưa nghệ thuật dân gian đến với công chúng, tạo đất sống cho loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại, phải kể tới sự nỗ lực của nhiểu tổ chức cũng như các cá nhân... 

Theo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được công bố năm 2016 của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Hà Nội có 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trong tổng số 1.793 di sản, chiếm 4,4%. Các di sản nổi bật đã được kiểm kê là: Múa bồng làng Đại Phẩm (Chương Mỹ); cồng chiêng thôn Đông Ké (Chương Mỹ); múa cồng chiêng của người Mường ở Tản Lĩnh, Vân Hòa (Ba Vì); kéo co ngồi (Long Biên); múa rắn lột làng Trường Lâm (Long Biên); múa Mường ở Vân Hòa (Ba Vì); hát chèo (ở Phúc Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì); vật lầu, hát trống quân (Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ); hát ví, hát dô (Quốc Oai), hát ca trù (Hoài Đức); hát tuồng (Đông Anh); hát chầu văn ở Ninh Sở (Thường Tín); vẽ truyền thần, vẽ tranh Hàng Trống (Hoàn Kiếm)... Đây cũng chính là kho báu di sản được kết tinh từ ngàn năm lịch sử còn hiện hữu đến hôm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn