MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tảo mộ đúng cách và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc tảo mộ

Hoàng Thị Hoàn LDO | 03/02/2019 08:21
Tảo mộ trước Tết là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Phong tục này thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.

Hằng năm, cứ từ khoảng 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, mỗi gia đình Việt Nam lại thực hiện lễ nghi tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất.

Vì thế, những ngày này, các gia đình, dòng họ đều cùng nhau sửa sang, dọn dẹp phần mộ. Người ta phát quang cỏ dại, lau chùi xung quanh mộ phần để tránh những gì không tốt xâm phạm đến linh hồn người đã khuất. Nhiều gia đình còn cho tu bổ lại những nấm mồ thấp, chưa đẹp. Sau đó, họ đem hương, hoa, lễ vật đến thắp hương để mời gọi những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Các gia đình đi tảo mộ. Ảnh: PT

Tục tảo mộ ngày Tết có ý nghĩa sửa sang lại phần mộ cho sạch đẹp, giãi bày tâm tư, tình cảm với những người đã khuất về những sự việc xảy ra trong một năm qua; đồng thời, mời gọi hương hồn những người đã khuất về nhà ăn Tết cùng con cháu. Tảo mộ còn có ý nghĩa để thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên. Việc làm này cũng góp phần tạo nên sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc, nhắc nhở con cháu về đạo lý “chim có tổ, người có tông”.

Tảo mộ là một nét đẹp của người Việt. Ảnh: Internet.

Thăm viếng phần mộ đã trở thành một nét truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến. Bởi vậy, dù đi xa nhưng mỗi người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng những người đã khuất.

Khi đi tảo mộ những ngày này, không quan trọng những lễ vật với mâm cao cỗ đầy mà chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên. Hơn nữa, những người đi tảo mộ cần lưu ý: Không giẫm đạp lên mộ nhà và các mộ xung quanh, làm xáo trộn phần mộ; không được nói tục, chửi bậy, chụp ảnh; sửa sang, dọn dẹp 4 mặt phần mộ, tránh việc chỉ dọn dẹp mặt trước; con gái khi đến tháng hoặc phụ nữ có thai được khuyên không nên đi tảo mộ,… Mọi việc làm sửa sang, dọn dẹp, thắp hương cho các nấm mồ đều phải xuất phát từ cái tâm, lòng thành kính của người sống với những người đã khuất.

Tảo mộ ngày Tết là một trong những phong tục tốt đẹp của dân tộc ta, nó nhắc nhở con người về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là cơ hội để những người còn sống thể hiện tấm lòng với người đã khuất.

Văn khấn tạ mộ vào ngày 30 Tết

Kính lạy:

- Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

- Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.

- Ngài Bản xứ thần linh Thổ đại tôn thần.

- Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ long mạch Tôn thần Tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả Thanh long, hữu Bạch hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản trong xứ này.

- Kính lạy hương linh cụ:....................................

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.

Chúng con là:.............................................

Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:

Có phần mộ tại đây về với gia đình đón mừng năm mới, để con cháu con phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thẩm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, phủ thùy doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén hương, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám

                                                                        Cẩn cáo

 (Trích “ Văn khấn Nôm truyền thống- NXB Văn hóa dân tộc)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn