MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam khác nhau thế nào?

Châu Anh LDO | 25/06/2020 07:13

Theo quan niệm dân gian, ngày 5.5 âm lịch hàng năm được coi là ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ đã trở thành nét đẹp in đậm trong văn hoá truyền thống Việt Nam. Và ở mỗi vùng miền, Tết Đoan Ngọ lại mang một ý nghĩa khác nhau.

Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương còn được người dân Việt Nam gọi với cái tên gần gũi là tết “diệt sâu bọ”. Tuy cũng là ngày lễ của nhiều nước Đông Nam Á như Trung Quốc hay Hàn Quốc nhưng với riêng Việt Nam tết Đoan Ngọ lại mang một nét đẹp văn hoá đặc biệt, giàu truyền thống.

Rượu nếp là món ăn phổ biến nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ. Ảnh: LDO.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tết Đoan Ngọ gắn liền với văn minh nông nghiệp. "Thời điểm chuyển giao thời tiết, chuyển giao mùa nên sâu bọ nhiều, dịch bệnh nhiều vì vậy người dân phải có những cách thức phòng chống sâu bệnh, dịch bệnh. Từ đó, kết tinh lại thành một phong tục tập quán nên cứ đến 5.5 âm lịch là ngày giết sâu bọ", PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.   

Hiện nay nhiều làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày lễ này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ ngày "diệt sâu bọ” là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Vì vậy, cứ đến ngày 5.5 âm lịch những người con xa quê lại có dịp trở về bên gia đình để cùng đón tết.

Tết Đoan Ngọ và sự khác biệt giữa 3 miền

Theo phong tục truyền thống từ xa xưa, khi thức dậy vào ngày tết Đoan Ngọ mỗi thành viên trong gia đình đều sẽ ăn hoa quả trước bữa sáng. Bởi theo quan niệm, việc ăn hoa quả như vậy sẽ có lợi cho đường ruột, giúp xua đuổi sâu bọ và tạo hi vọng cho một mùa màng mới tốt đẹp hơn. Người dân miền Bắc thường ăn quả mận trong ngày này vì nó có vị chua thanh sẽ giúp loại bỏ được "sâu bọ" trong cơ thể.

Người miền Bắc thường ăn mận và vải trước bữa sáng vào Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Nam Phương.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, ở đồng Bằng Bắc Bộ sử dụng rượu nếp để diệt sâu bọ. Bởi, ngày xưa trong cuộc sống thường sử dụng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên, không có nhiều loại thuốc như bây giờ. Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.

Đối với mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ của người dân miền Trung, họ sử dụng cơm rượu như một “công cụ” để diệt sâu bọ. Cơm rượu được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình tự chế biến trong các bữa ăn.

Ngoài ra, người dân miền Trung còn coi ngày Tết Đoan Ngọ là ngày sum họp gia đình và thường ăn khá linh đình. Các món ăn Tết Đoan Ngọ ở miền Trung có thêm bánh tráng, chè kê và không thể thiếu bánh tro. Giải thích về điều này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng miền Trung vốn là nơi thời tiết thiên nhiên khắc nghiệt, nên vào ngày này, người dân thường cúng lớn để cầu mong sự yên bình, mùa màng bội thu. 

Người miền Trung không thể thiếu bánh tro. Ảnh: Khánh Hạ.

Với các tỉnh miền Nam, cơm rượu nếp Tết Đoan Ngọ được gọi là cơm rượu sẽ không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ và được ăn kèm với xôi vò. Đó cũng là một màu sắc hết sức độc đáo của người dân Nam Bộ. Theo truyền thống của người miền Nam, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn