MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thách thức về việc bảo vệ quyền phát sóng trong môi trường số

Linh Chi LDO | 19/09/2018 19:00
Sáng 19.9, tại Hà Nội, Hội thảo về Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số đã diễn ra để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam; các doanh nghiệp khai thác, sử dụng chương trình phát sóng; cán bộ và các báo cáo viên từ Cục Bản quyền tác giả và từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam, Tập đoàn Canal+, Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình SBS Contents Hub, Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, K+ là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang sở hữu bản quyền phát sóng các giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh và có giá trị lớn như giải bóng đá Ngoại hạng Anh, 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League; Hệ thống các giải tennis ATP…

 Hội thảo tập trung trao đổi và thảo luận để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ chương trình phát sóng trong môi trường số thời gian tới. 

Việc có được các bản quyền phát sóng lớn nói trên cũng khẳng định được uy tín của K+ trên thị trường truyền hình quốc tế.

Trước đó, khán giả Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi khi không được xem 2 giải bóng đá hàng đầu Châu Âu là Champions League và Europa League trong 1 khoảng thời gian do vấn đề vi phạm bản quyền. Truyền hình K+ đã nỗ lực mang lại 2 giải đấu này cho người hâm mộ Việt Nam từ cuối mùa giải vừa qua đến hết mùa giải 2020/2021.

Tại hội thảo, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh: "Kỷ nguyên số và internet đã và đang tạo cơ hội thuận lợi cho chúng ta trong việc tiếp xúc với các tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học, các bản ghi âm ghi hình, các chương trình biểu diễn, các chương trình phát sóng một cách dễ dàng, thuận lợi.

Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức trong việc làm thế nào để bảo hộ được quyền lợi của các chủ thể đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, các quyền liên quan: Quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, đặc biệt là quyền của các nhà sản xuất chương trình phát sóng, các tổ chức phát sóng”.

Tuy nhiên, một điều may mắn là Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế.

Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn