MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thăm “làng tiến sĩ” ở Vĩnh Phúc, vùng đất có 2 Thành hoàng

Thu Thủy LDO | 20/03/2024 10:38

Sơn Đông là ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc - sau này được gọi là Quan Tử bởi có tới 12 người đỗ tiến sĩ, ra làm quan phụng sự triều đình.

Hơn 200 nhà có tới 12 tiến sĩ Nho học

Theo lời giới thiệu của các cụ cao niên làng Quan Tử (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), chỉ tính hàng đại khoa, vùng đất này đã có tới 12 người đỗ đạt tiến sĩ Nho học, gồm: Nguyễn Từ, Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Tộ, Nguyễn Chinh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu, Lê Đức Toản, Đặng Thận, Lê Khiết, Đặng Điềm, Nguyễn Phu Hựu, Vũ Doãn Tư.

Làng Quan Tử nổi danh cả nước với truyền thống khoa bảng khi có tới 12 vị tiến sĩ Nho học. Ảnh: Thu Thủy

Trò chuyện với PV Báo Lao Động, ông Vũ Thế Công (76 tuổi - Trưởng dòng họ Vũ) kể: Theo sử sách ghi chép lại, năm 24 tuổi, cụ tổ Vũ Doãn Tư thi đỗ Đệ tam giáo đồng tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa thứ nhất (1541) đời Vua Mạc Phúc Hải.

Sau đó, ông được phân làm quan thất phẩm và làm tới chức Lại bộ Tả thị lang Vũ tướng công thời nhà Mạc.

Ông Vũ Thế Công - Trưởng dòng họ Vũ. Ảnh: Thu Thủy

Trong nhà thờ họ Vũ có trưng bày tấm bia đá khắc ghi công trạng của cụ tổ Vũ Doãn Tư đã từng bị thất lạc. Sau khi tìm thấy, nhà thờ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Vĩnh Phúc năm 2001.

“Cứ ngày 10.2 âm lịch hằng năm, con cháu khắp nơi đều tụ họp đông đủ về nhà thờ để gặp mặt, trao thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, thi cử” - ông Công tự hào nói.

Tấm bia của cụ tổ Vũ Doãn Tư là niềm tự hào của bao thế hệ dòng họ Vũ. Ảnh: Thu Thủy

Nhờ truyền thống hiếu học lâu đời, nhiều thế hệ con cháu họ Vũ đều đỗ đạt thành danh, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.

Vùng đất có anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn

Cách nhà thờ họ Vũ không xa, biển chỉ dẫn đưa chúng tôi đến đền thờ Tả tướng Trần Nguyên Hãn - nơi được thiết kế theo cấu trúc kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn.

Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao. Tương truyền đây chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn.

Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1984. Ảnh: Thu Thủy

Ông Nguyễn Đình Huấn (68 tuổi - quản lý đền thờ Trần Nguyên Hãn) cho biết, thời điểm này địa phương đang thực hiện các hoạt động kỷ niệm 634 năm ngày sinh của anh hùng dân tộc, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

Do đó, rất nhiều người dân, du khách đến đây để dâng hương tưởng nhớ và cầu bình an, may mắn.

Ông Huấn cho biết, ngày 1.2 là lễ kỷ niệm 634 năm ngày sinh của anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn. Ảnh: Thu Thủy

Gia phả họ Trần và văn bia ghi rõ: Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn là một vị tướng tài đức song toàn, có công lớn giúp Lê Lợi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Bên phải cổng ngoài đền là tấm đá có khắc 2 câu đối về vị anh hùng dân tộc này.
Phía bên trái cổng đền được trưng bày đá mài gươm. Ảnh: Thu Thủy

Về sau, tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn được phong làm Thành hoàng làng của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Đền thờ cũng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1984.

Thầy giáo làm Thành hoàng làng

Thông thường, xưa nay, 1 làng chỉ thờ duy nhất 1 Thành hoàng làng. Tuy nhiên, hiếm thấy ở đâu có tới 2 vị Thành hoàng làng như Quan Tử.

Đó là thầy giáo Đỗ Khắc Chung - một bậc Nho học thời Trần có công lao to lớn trong việc khuyến học, đào tạo nhân tài cho đất nước khi ấy.

Lối vào đền thờ thầy giáo Đỗ Khắc Chung. Ảnh: Thu Thủy

Cai quản ở đền thờ Đỗ Khắc Chung 20 năm nay, ông Lê Văn Long kể: Theo lịch sử ghi chép lại, miếu thờ được lập vào năm Cảnh Tự thứ 3 (1665).

Ngoài việc dạy học, mở mang nền văn hiến cho dân ấp, ông còn có công trong cuộc đàm phán với tướng giặc Ô Mã Nhi.

Thầy giáo Đỗ Khắc Chung được phong làm Thành hoàng làng thứ 2. Ảnh: Thu Thủy

Ông cũng là người được giao trọng trách cứu Huyền Trân công chúa tránh bị thiêu theo vua Chiêm Thành.

Vì lập nhiều công lớn, ông Trần Khắc Chung được vua Trần Nhân Tông ban thưởng và tặng câu đối: "Ô tưởng hùng phong tam thoái xá/Long vương hồng huống vạn tư niên”.

Theo ông Long, vào mỗi kỳ thi, con cháu vẫn đến ngôi miếu này làm lễ “cầu khoa”.

Đền được công nhận Di tích lịch sử văn hoá tỉnh Vĩnh Phúc năm 1993. Ảnh: Thu Thủy

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Kim Thuyên - Nhà Nghiên cứu Lịch sử, Hội viên hội Khoa học Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc, cũng là người con của làng Quan Tử cho biết, trước đây vùng quê này được gọi là Làng Gốm vì người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm gốm.

Mãi đến thời vua Lê Thánh Tông, ngôi làng nổi danh lên vì có tới 12 người đỗ tiến sĩ. Theo luật lệ của triều đình, những người đã đỗ đạt có thể được bổ làm quan, nhưng nhất thiết không được làm quan ở quê nhà.

Thậm chí, các quan không được mang theo vợ con đến địa phương có nhiệm sở. Vì thế, vợ con quan đều ở lại làng quê, đông đến mức cứ ra ngoài ngõ là gặp con nhà quan.

“Từ đó, tên làng Quan Tử mới được ra đời và tồn tại đến ngày nay. Những tài liệu, sử sách còn lưu lại về làng có 2 Thành hoàng đều có thật” - ông Thuyên khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn