MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiệp hội cải lương ra đời, sẽ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp bảo về quyền lợi chính đáng của anh em nghệ sĩ.

Thành lập Hiệp hội cải lương để “cứu” nghệ thuật cải lương đang lụi tàn

Huân Cao LDO | 25/10/2018 19:00

Trước tình hình nghệ thuật cải lương gặp khó khăn và có nguy cơ lụi tàn, giới nghệ sĩ đạo diễn đã đưa ra giải pháp cứu nguy cho sàn diễn cải lương hiện này là Thành lập hiệp hội cải lương xã hội hóa.

NSƯT Quế Trân trong một vai diễn.

Nguyên nhân cải lương gặp khó khăn và có nguy cơ lụi tàn

Cải lương xuất hiện từ năm 1918, thập niên 60 là thời kỳ cải lương hưng thịnh nhất, lấn át cả tân nhạc. Sau ngày đất nước thống nhất, cải lương còn hoạt động mạnh thêm 10 năm, đến năm 1985 mới bắt đầu sa sút và mai một dần sau 100 năm phát triển.

Trước 1975, các ông bà bầu bỏ tiền lập gánh nên căng đầu suy nghĩ để tìm lối đi. Vì vậy giai đoạn này, cải lương phát triển cả về chất và lượng. Sau năm 1975, cải lương được Nhà nước “bao cấp”, nên nhiều kịch bản dựng theo chỉ đạo nhiều hơn là theo nhu cầu thị hiếu người xem. Vì vậy, cải lương ngày càng xa rời với công chúng.

Nghệ sĩ Quế Trân lý giải với PV báo Lao Động về nguyên nhân cải lương lụi tàn: “Ngày nay có thêm nhiều loại hình giải trí và phương tiện truyền thông phát triển chi phối sự lựa chọn của khán giả. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến sân khấu sàn diễn cải lương”.

Giải pháp cứu nguy cho cải lương là thành lập Hiệp hội 

NSƯT Kim Tử Long trao đổi với PV Báo Lao Động
Chiều 25.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, NSUT Kim Tử Long cho biết, trước tình hình khó khăn của môn nghệ thuật cải lương hiện nay thì việc thành lập Hiệp hội cải lương xã hội hóa là điều cần làm ngay. Điều này đã nhận được nhiều sự ủng hộ của anh em nghệ sỹ cải lương và cả đạo diễn sân khấu.

“Hiệp hội cải lương được thành lập trên tinh thần xã hội hóa, sẽ là cầu nối liên kết các anh em nghệ sĩ với nhau. Khi liên kết thì sẽ cùng nhau tạo ra định hướng phát triển và đề ra kế hoạch dàn dựng vở diễn bằng nguồn lực tài chính xã hội hóa. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ đứng ra thương lượng thuê sân khấu để anh em nghệ sỹ biểu diễn trên tình thần giá thuê phù hợp nhất, chứ hiện nay giá thuê cao quá vượt ngoài khả năng của bản thân tôi và anh em nghệ sĩ”- NSUT Kim Tử Long nói.

Một vở diễn do chính NSƯT Kim Tử Long làm đạo diễn và tự bỏ tiền túi ra đầu tư.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM thì phân tích, Hiệp hội ra đời sẽ là một tổ chức nghề nghiệp có sức mạnh nội lực và đề ra chiến lược phát triển theo mô hình cải lương xưa. “Hiệp hội là nơi bảo vệ quyền lợi cho anh em nghệ sĩ cải lương, đề ra những kế hoạch tiếp thị, truyền thông và đào tạo diễn viên, nghệ sĩ cho sân khấu cải lương”- đạo diễn Đạt nói với PV báo Lao Động.

Cải lương cũng như nhiều ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống khác, đang đứng trước một bờ vực chênh vênh. Nếu không có những nỗ lực để vực dậy, có thể môn nghệ thuật từng "vang bóng một thời" với người dân miền Nam này sẽ sớm lụi tàn theo thời gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn