MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tháp Bánh Ít nghìn năm tuổi dưới góc nhìn của Tiến sĩ khảo cổ trước khi tu bổ

NGUYỄN HỮU MẠNH LDO | 10/03/2022 19:00
Những ngày qua, câu chuyện về sai phạm trong trùng tu, tôn tạo tháp Bánh Ít, thuộc thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã thu hút sự chú ý của dư luận. 

Báo Lao Động giới thiệu đến bạn đọc bài viết của TS. Nguyễn Hữu Mạnh - Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN về di sản văn hoá đặc biệt này. 

Trước khi bị phá đi vẻ đẹp vốn có, từ rất sớm, năm 1909, tháp Bánh Ít đã được học giả người Pháp Henri Parmentier, đánh giá rất cao trong nền lịch sử nghệ thuật vương quốc Champa xưa từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam.

Năm 2015, tháp Bánh Ít là địa điểm duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do nhà xuất bản Quintessence nổi tiếng của Anh phát hành là bằng chứng khẳng định một lần nữa cho luận điểm này.

Từng có nhiều dịp ghé thăm nơi này, tôi xin được giới thiệu chùm ảnh về tháp Bánh Ít, trước khi bị “tan hoang” như ngày nay.

Tháp Bánh Ít. Ảnh: Hữu Mạnh

Mặc dù được xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII nhưng hiện nay, chúng ta vẫn có thể ngắm nhìn 4 công trình kiến trúc được xây bằng gạch, đứng sừng sững trên một ngọn đồi cao. Đây là di tích đền tháp Champa còn sở hữu nhiều nhất các đơn nguyên kiến trúc ở tỉnh Bình Định, kinh đô của vương quốc Champa trong mười thế kỷ (thế kỳ X-XV). 

Ảnh tư liệu cụm tháp nằm trên một ngọn đồi cao. Nguồn: Flickr Mạnh Hải

Vì nằm trên đồi cao, nhìn từ xa, cụm tháp trông giống như bánh Ít - một loại đặc sản của tỉnh Bình Định nên cư dân địa phương mới lấy tên gọi đó để đặt cho tên tháp. Ngoài ra, tháp còn có nhiều tên gọi khác như Tháp Bạc, Tháp Thị Thiện, Thổ Sơn cổ tháp…

Tháp Bánh Ít nằm rất gần đường quốc lộ 1 nên chúng tôi hay ghé thăm trong những dịp đi khảo sát, điều tra ở Bình Định vì rất hiếm di tích Champa nào ở miền Trung Việt Nam sở hữu một vẻ đẹp kỳ bí mang đậm dấu ấn tài hoa của người nghệ nhân xưa.

Ngoài ra, chúng tôi còn ghé thăm nơi đây vì rất ít người biết rằng, nơi đây từng là một trung tâm Phật giáo quan trọng của người xưa trong lịch sử.

Ở Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo cổ xưa có cùng niên đại với tháp Bánh Ít, nhưng không còn nhiều ngôi chùa còn giữ được kiến trúc nguyên gốc như Bánh Ít.

Ảnh: Hữu Mạnh

Tháp cổng nằm ở vị trí thấp nhất, được được trang trí khá đơn giản nhưng lại trông vô cùng khỏe khoắn, vững chãi. Vòm cổng có hình tựa như mũi lao đang hướng thẳng lên trời. Tháp có hai cửa nằm cùng một trục với tháp chính, hướng Đông - Tây để tạo nên sự hòa hợp về mặt kiến trúc.

Tháp chính cao khoảng 30m, có kích thước lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm trên ngọn đồi, xung quanh là 3 tháp nhỏ, được trang trí chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ và đẹp mắt. Trong đó còn cho thấy mặt ốp chân tháp khắc tạc hình ảnh của các vũ nữ múa thể hiện nhiều động tác khác nhau. Trải qua thời gian, nhiều mảng phù điêu của người xưa đã bị hư hỏng cũng không thể che dấu dáng vẻ mềm mại, sống động, thanh thoát của ngôi đền tháp chính.

Pho tượng Phật thế kỷ XII được phát hiện ở tháp Bánh Ít.

 

Bên cạnh tháp chính là tháp yên ngựa, có chiều cao khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Vì ngôi đền tháp có mái cong hình yên ngựa nên nhân dân địa phương gọi thành quen mà thành tên gọi của tháp.

Thực ra, trong bình đồ kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, là tháp thờ Thần Hỏa nên gọi là tháp/nhà Hỏa; là nơi chuẩn bị các đồ nghi lễ dâng cúng trong các dịp cúng tế của người Champa xưa.

Đây là kiến trúc rất đặc biệt, có rất ít công trình có hình dạng đặc biệt như thế này trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc Champa. Ngoài tháp Bánh Ít, loại hình kiến trúc này chỉ xuất hiện ở tháp Mỹ Sơn B5, E7, C3 (tỉnh Quảng Nam) và tháp Po Klong Gialai (tỉnh Ninh Thuận).

Trong đại dịch COVID-19, tháp Bánh Ít thu hút rất nhiều du khách viếng thăm bởi không gian mát lành của cây cỏ, thiên nhiên hòa cùng không gian cổ kính, linh thiêng của di tích. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều du khách tự ý viết, vẽ lên di tích, làm mất đi giá trị của di sản.

Hiện nay, khu vực vùng lõi của Bánh Ít - di tích cấp quốc gia năm 1982 này bị “xâm hại” trong quá trình trùng tu của cơ quan phụ trách văn hóa tỉnh Bình Định. Đã đến lúc Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm cần đưa ra giải pháp bảo tồn một sản văn hoá đặc biệt quý báu của dân tộc. 

Một số hình ảnh của Tháp Bánh Ít trước khi được tu bổ:

Cận cảnh tháp Hỏa với hình dáng vô cùng độc đáo. Ảnh: Hữu Mạnh
Các bức phù điêu của tháp chính đều được tạc ở tư thế đang nhảy múa vô cùng sống động, thu hút. Ảnh: Hữu Mạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn