MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thị Nở là hoa hậu, Mị nổi loạn: Thời văn học "lên ngôi" trong MV ca nhạc

Linh Chi LDO | 03/10/2019 17:05

Vẫn lấy chủ đề chính là câu chuyện tình yêu nhưng thời gian gần đây, các ca sĩ Việt đã tìm ra được hướng đi mới là thực hiện MV dựa trên những tác phẩm văn học như: "Hết thương cạn nhớ" - Đức Phúc hay "Để Mị nói cho mà nghe" - Hoàng Thùy Linh...

"Ngoại truyện" văn học "lên ngôi" với các MV ca nhạc

Nếu điểm qua những MV ca nhạc được yêu thích gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy những MV mang hơi hướng cổ trang, đặc biệt là những dự án dựa trên các tác phẩm văn học đang chiếm ưu thế. Có thể kể đến như: "Hết thương cạn nhớ" - Đức Phúc hay "Để Mị nói cho mà nghe" - Hoàng Thùy Linh và "Anh ơi ở lại" của Chi Pu. 

MV "Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc đã gây được nhiều ấn tượng ngay từ khi ra mắt với kịch bản dựa trên truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Cũng nhắc về chuyện tình yêu của Chí Phèo (Kiều Minh Tuấn) và Thị Nở (Đỗ Mỹ Linh) nhưng "Hết thương cạn nhớ" lại khai thác đậm hơn ở khía cạnh từ tình yêu sâu nặng của Lý Cường (con trai Bá Kiến - Đức Phúc) dành cho Thị Nở. 

Chi Pu hóa thân thành Cám trong anh ơi ở lại. Ảnh: CP.

Tương tự, nội dung MV "Anh ơi ở lại" của Chi Pu dựa trên câu truyện cổ tích Tấm Cám. Thay vì khắc họa đậm vai Tấm, Chi Pu hóa thân vào vai Cám độc ác, nham hiểm nhưng cũng chất chứa những đau khổ vì mối tình đơn phương dành cho hoàng thượng.

“Để Mị nói cho mà nghe” . Ảnh: HTL.

Trong khi đó, "Để Mị nói cho mà nghe" lại là sự tập hợp một "vũ trụ văn học" của Hoàng Thùy Linh dựa trên loạt tác phẩm: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Lão Hạc, Vợ nhặt, Chị Dậu... Sự mới mẻ của "Để Mị nói cho mà nghe" nằm ở việc Hoàng Thùy Linh hóa thân thành cô Mị đầy cá tính, nổi loạn. Ở đó, Mị tự đứng lên giải thoát cho mình khỏi cuộc sống bế tắc và kéo các nhân vật bần cùng như Thị Nở, Chí Phèo, Lão Hạc,... đứng vùng dậy, đứng lên đấu tranh để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Những góc khuất của nhân vật, góc nhìn mới chưa từng được nhắc tới như Lý Cường, Cám hay sự nổi loạn của cô Mị đã tạo nên sự mới mẻ và thích thú cho khán giả. 

MV "phóng tác" theo văn học là công thức tạo hit?

"Hết thương cạn nhớ", "Để Mị nói cho mà nghe" hay "Anh ơi ở lại" đều cán mộc 1 triệu lượt view chỉ sau 1 ngày ra mắt và nhanh chóng leo lên top 1 trending của Youtube. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu những MV ca nhạc làm lại từ các tác phẩm văn học sẽ đương nhiên thành công và được đông đảo khán giả đón nhận?

 Tạo hình cổ trang của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh và Đức Phúc. Ảnh: DP. 

Chia sẻ với Lao Động, đạo diễn Vũ Hồng Thắng - người "cầm trịch" MV "Hết thương cạn nhớ" khẳng định không có một công thức chung để thành công cho tất cả các MV.

"Có những MV ở chủ đề khác, không tốn quá nhiều công sức và vẫn có thể thành công. Theo tôi, các tác phẩm văn học là một đề tài hay để mọi người khai thác, giúp làm mới văn học và mọi người sẽ nhìn văn học ở góc độ giải trí và gần gũi hơn. Khán giả sẽ đón nhận và tò mò muốn xem nhiều hơn. Đây chỉ là một phần để làm MV thành công hơn mà thôi".

Không thể phủ nhận sự sáng tạo của những MV dựa trên những tác phẩm văn học nổi tiếng, tuy nhiên đây cũng chính là thách thức không nhỏ của các nghệ sĩ. Khi các tác phẩm đó đã quá quen thuộc, quá nổi tiếng thì việc biến tấu sẽ khiến khán giả trở nên khắt khe hơn. Bản thân Đức Phúc thừa nhận, anh phải đọc rất kĩ tác phẩm Chí Phèo mới có thể xây dựng được kịch bản với tiêu chí vừa làm mới mà vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn